Nỗ lực lớn
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2016, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) sẽ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Để hoàn thành mục tiêu này, chính quyền và nhân dân xã Nghĩa Thương đã dốc sức tổ chức và hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, hoàn thiện thiết chế văn hóa, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, với tổng kinh phí đầu tư lên đến gần 57 tỷ đồng. Trong số này nhân dân đóng góp trên 8 tỷ đồng, chưa kể việc hiến đất đai và ngày công.
Tỷ lệ hộ nghèo cao là khó khăn lớn nhất của xã Long Sơn (Minh Long) trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, xã Nghĩa Thương đã hoàn thành 15/19 tiêu chí. Trong đó, các tiêu chí được xem là khó đạt nhưng dễ mất như tỷ lệ hộ nghèo (4,5%), thu nhập đầu người (trên 21 triệu đồng/người/năm) hay môi trường... thì xã Nghĩa Thương lại dễ dàng cán đích. “Đẩy mạnh việc dồn điền đổi thửa, chú trọng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất là yếu tố then chốt giúp nông dân trong xã cải thiện và tăng thu nhập bền vững”, ông Trần Thanh Tịnh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thương chia sẻ.
Trong khi đó, xã Long Sơn (Minh Long) cũng nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng để về đích nông thôn mới đúng lộ trình vào năm 2017. “Cuộc sống còn nghèo khó nhưng bà con trong xã nhiệt tình hưởng ứng xây dựng nông thôn mới bằng cách hiến đất, góp công bê tông 1,5km giao thông nông thôn, tu sửa kênh mương thủy lợi hay bảo ban nhau giữ gìn vệ sinh môi trường chung”, ông Nguyễn Đăng Vinh- Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết. Sự chung sức đồng lòng này đã giúp xã miền núi Long Sơn hoàn thành 11/19 tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, các tiêu chí như giao thông, thủy lợi, chợ nông thôn, nhà ở dân cư hay an ninh trật tự xã hội đều đạt ở mức độ cao.
Nhiều địa phương đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 đang loay hoay với việc tìm nguồn lực đầu tư hoàn thiện các tiêu chí. Bởi phần lớn các địa phương trên có điểm xuất phát kinh tế - xã hội thấp, thu nhập của người dân chưa cao, quy mô sản xuất nhỏ lẻ... nên việc họ cần được trợ sức trong tiến trình xây dựng nông thôn mới cũng là điều dễ hiểu. |
Cần sự trợ sức
Dù đã nỗ lực hết mình nhưng hiện giờ, xã Nghĩa Thương vẫn còn 4 tiêu chí chưa đạt là cơ sở vật chất văn hóa, y tế, giao thông và chợ. Theo ông Trần Thanh Tịnh- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thương, trong số trên, chính quyền và nhân dân xã Nghĩa Thương chỉ có khả năng hoàn thành tiêu chí giao thông nhờ cơ chế hỗ trợ xi măng, cát, đá, sạn của tỉnh và huyện. “Còn tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, y tế và chợ thì chúng tôi phải trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước vì sức dân đã kiệt, nguồn lực xã hội hóa khó trong khi kinh phí đầu tư lên đến trên 10 tỷ đồng”, ông Trần Thanh Tịnh cho hay.
Cùng nỗi niềm trên, xã Đức Thắng (Mộ Đức) cũng gặp nhiều khó khăn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, nhất là việc thực hiện tiêu chí thủy lợi và giao thông. “Hai tiêu chí trên cần vốn đầu tư lớn nhưng nguồn lực địa phương có hạn. Hơn nữa, xã chưa được thụ hưởng cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh nên việc đóng góp để bê tông hay kiên cố hóa hệ thống giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng là quá sức với người dân”, ông Nguyễn Tấn Việt- Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thắng cho biết.
Trong khi đó, dù là xã điểm của huyện Minh Long nhưng hiện giờ Long Sơn còn tới 8 tiêu chí chưa đạt. Khó nhất là tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương này còn chiếm gần 23,4%; trong khi thu nhập bình quân chưa đến 14 triệu đồng/người/năm.
Ngoài hai tiêu chí chính quyền và người dân xã Long Sơn cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất văn hóa, hình thức tổ chức sản xuất, bảo vệ môi trường... Bởi với đặc thù xã miền núi, đời sống và hiệu quả sản xuất của người dân còn thấp, lại không có doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn nên việc huy động nguồn lực xã hội hóa dường như không thể. “Do đó tiến độ xây dựng NTM của địa phương phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước”, ông Nguyễn Đăng Vinh cho biết.