Dân Việt

Loay hoay chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

11/07/2013 08:11 GMT+7
(Dân Việt) - Trong khi dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp, có thêm nhiều chủng dịch mới trong 6 tháng đầu năm thì lực lượng cán bộ thú y địa phương, những người trực tiếp phát hiện ổ dịch tại cơ sở hiện nay - hầu hết không được đào tạo chuyên môn hoặc chỉ mới được tập huấn đơn giản.

Dịch bệnh vẫn phức tạp

Cục Thú y cho biết, từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm H5N1 đã xảy ra tại 33 xã, phường của 14 huyện, quận, thuộc 5 tỉnh gồm Điện Biên, Khánh Hòa, Kiên Giang, Tây Ninh và Vĩnh Long. Đã có hơn 50.000 con gia cầm mắc bệnh, số gia cầm chết và tiêu hủy gần 62.000 con, trong đó, gà chiếm khoảng 25%, phần còn lại là vịt, ngan. So với cùng kỳ 2012, số địa phương có xảy ra dịch cúm gia cầm đã giảm, số gia cầm bị buộc phải tiêu hủy cũng giảm hơn 30% so với 2012. Tuy nhiên, địa bàn các ổ dịch vẫn phân bố ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tại nhiều địa phương như Khánh Hòa, Vĩnh Long dịch diễn ra dây dưa, kéo dài khiến công tác dập dịch gặp nhiều khó khăn.

img
Cán bộ thú y lấy mẫu bệnh phẩm tại một trại heo ở Vĩnh Cửu (Đồng Nai).

Hơn nữa, ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết thêm, so với 2012, dịch cúm gia cầm có những diễn biến phức tạp hơn khi phát hiện ổ dịch trên đàn hơn 100 chim trĩ tại Tiền Giang và một ổ dịch trên chim yến tại Ninh Thuận với tổng đàn nhiễm bệnh hơn 100.000 con, số yến chết 5.000 con, phải tiêu hủy gần 10.000 con chim yến khác.

Về dịch lở mồm long móng (LMLM), trong 6 tháng đầu năm, dịch đã xảy ra tại 54 xã, phường, thuộc 6 tỉnh gồm Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Sơn La, Thanh Hóa, Long An và Phú Yên. Hơn 2.100 con gia súc đã mắc bệnh, số gia súc phải tiêu hủy vì dịch LMLM hơn 600 con. Đặc biệt, trong khi hệ thống thú y cả nước chỉ sử dụng vaccin phòng dịch LMLM týp O thì nay, dịch bệnh týp A đã xảy ra tại 5 xã, phường thuộc Hà Tĩnh, làm gần 400 con gia súc mắc bệnh.

Ông Nguyễn Xuân Bình – Giám đốc Trung tâm Thú y Vùng IV cũng cho biết, tiềm ẩn dịch cúm gia cầm hiện ở mức rất cao. Khả năng bùng phát dịch bệnh gia súc, gia cầm trong 6 tháng cuối năm là rất lớn khi nông dân tăng đàn gia súc, gia cầm để phục vụ nhu cầu các dịp lễ, tết sắp tới.

Ông Bình ví dụ, mới đây, một doanh nghiệp lớn nhập khẩu đàn khoảng 700 heo ông bà hoàn toàn sạch bệnh từ Canada về để phát triển đàn heo trong nước. Khi nhập khẩu xuống sân bay Tân Sơn Nhất, sức khỏe bệnh dịch đàn heo vẫn tốt nhưng khi di chuyển từ TP.HCM về Khánh Hòa, kết quả xét nghiệm cho thấy đã xuất hiện virus tai xanh trên đàn heo giống. “Nghĩa là khi đi qua vùng Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi có ổ dịch tai xanh trước đây, virus dịch đã nhiễm vào heo giống. Kết quả, đơn vị nhập khẩu đã phải tiêu hủy toàn bộ đàn giống mới, dù giá trị kinh tế là rất lớn”- ông Bình giải thích thêm.

Cán bộ thú y mù mờ kiến thức

Trong khi tình trạng dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp thì tại hội nghị sơ kết 6 tháng hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật do Cục Thú y tổ chức ngày 10.7, nhiều ý kiến cho rằng, trình độ kiến thức chuyên môn của đội ngũ thú y địa phương hiện còn rất kém.

Ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y cho biết, hiện tại có đến 50% số cán bộ thú y tại các địa phương không được đào tạo bất cứ một chương trình nào về chuyên môn, hơn 30% số cán bộ chỉ được tập huấn đơn giản và 20% số cán bộ thú y còn lại chỉ mới qua đào tạo sơ cấp.

Hơn nữa, trợ cấp cho cán bộ thú y địa phương hiện rất thấp, chỉ từ 400.000 – 600.000 đồng/người/tháng. Việc tuyển chọn, trả lương cho cán bộ thú y do UBND xã thực hiện. Do đó, việc tuyển chọn, đào tạo cho nhân viên thú y còn chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Đông cho biết, do không có trình độ chuyên môn nên khi xảy ra dịch bệnh, nhiều cán bộ địa phương lúng túng trong việc báo cáo cũng như thực hiện khoanh vùng, dập dịch. “Nhiều địa phương còn không báo cáo khi phát hiện dịch mà giấu dịch để người dân bán tháo sản phẩm hoặc thậm chí, cán bộ không biết là dịch bệnh gì để báo cáo. Do đó, dẫn đến tình trạng lây lan dịch bệnh sang các địa phương khác” - ông Đông cho biết.

GS-TS Đậu Ngọc Hào – Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam cũng cho biết, trên thế giới, ngành thú y được đặc biệt coi trọng, đầu vào ngành thú y được xếp ngang ngành y, bác sĩ thú y cũng phải học thêm 1 – 2 năm so với các ngành học khác. Trong khi đó, ở Việt Nam, ngành thú y chưa thực sự được quan tâm đúng mức. “Do đó, cần gấp rút củng cố hệ thống thú y từ trung ương đến địa phương cũng như hệ thống thú y cộng đồng, tăng cường trang bị thêm kỹ thuật cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngành chăn nuôi” - ông Hào đề xuất.