Ở trận đầu ra quân của U21 Việt Nam tại giải U21 quốc tế 2015 gặp U21 Thái Lan, nhiều khán giả xem truyền hình nhìn thấy một hình ảnh tréo ngoe. Đó là các cầu thủ U21 Việt Nam mặc đồng phục in logo Nike nhưng chỉ riêng mình thủ môn Quang Tuấn lại mặc đồng phục với logo của Grand Sport. Vì thế mà có nhiều chỉ trích rằng đội U21 Việt Nam đã vi phạm hợp đồng với Grand Sport, nhãn hàng của Thái Lan đã tài trợ trang phục thi đấu cho các đội tuyển Việt Nam từ cuối năm 2014 đến nay. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy.
Áo của thủ môn U21 Việt Nam có logo khác cầu thủ trong trận gặp U21 Thái Lan. Ảnh: Người Lao Động.
Đội U21 Việt Nam tuy được thành lập thông qua quyết định của VFF và BTC giải đấu, nhưng không thuộc biên chế chính thức của Tổng cục TDTT, không có trong cơ cấu các đội tuyển được giới thiệu trên website của Liên đoàn bóng đá Việt Nam và tất nhiên không được mặc áo đấu hàng hiệu Grand Sport như đội tuyển quốc gia thực thụ. Còn trang phục của U21 Việt Nam tại giải U21 quốc tế được BTC giải cấp cũng chỉ là... hàng chợ, nhưng không hiểu trong khâu chuẩn bị thế nào mà lại để xảy ra sự cố về áo đấu như thế.
Từ phản ánh của dư luận, BTC giải cũng khắc phục bằng việc ở trận đấu sau đó gặp U21 Singapore, đồng phục của thủ môn U21 Việt Nam đã được “biến hóa” để cho phù hợp với đồng phục các cầu thủ. Một miếng vải chữ nhật với logo của Nike được may đè lên ngực áo của thủ môn, có lẽ để che đi logo khác.
Áo thủ môn U21 Việt Nam trong trận gặp U21 Singapore đã được may đè nên logo Nike. Ảnh: Nhật Trường.
Thực ra, việc mặc áo “hàng chợ” cũng là chuyện bình thường của làng bóng Việt Nam. Ngay cả các đội tuyển Việt Nam sau khi không được Nike tiếp tục tài trợ đã có nhiều lần mặc đồng phục tập luyện kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” hoặc may vải đè lên để che đi logo của Nike. Chỉ đến khi được Grand Sport tài trợ thì mới thoải mái về trang phục.
Trong khi đó, các CLB V.League ngoại trừ Hà Nội.T&T được Kappa (nhãn hàng trang phục thể thao nổi tiếng của Italia) tài trợ trang phục thì các đội bóng còn lại đều mặc “hàng chợ”. Thậm chí B.Bình Dương ra đấu trường quốc tế đá AFC Champions League còn mặc áo nhái của Adidas, vừa đá vừa lo sợ có thể bị kiện. Chỉ mới đây, thêm 2 đội bóng nữa của V.League được tài trợ trang phục là B.Bình Dương và ĐTLA.
Áo thủ môn U21 Việt Nam trong trận gặp U21 Singapore đã được may đè nên logo Nike. Ảnh: Nhật Trường.
Nhưng với việc sử dụng hàng nhái nhan nhản như thế nên nhiều thương hiệu trang phục thể thao nổi tiếng thế giới không mấy mặn mà với thị trường bóng đá Việt Nam. Ngay cả ở cấp độ đội tuyển, VFF cũng vất vả tìm nhà tài trợ trang phục khi Nike kết thúc hợp đồng từ đầu năm 2014. Phải đến cuối năm 2014, cơ quan này mới có nhà tài trợ mới là Grand Sport của Thái Lan.