Xử phạt hành chính là chính
Nhiều giải pháp nhằm hạn chế tai nạn giao thông (TNGT) do lái xe sử dụng rượu, bia đã được các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất tại Hội nghị ATGT Việt Nam 2015 tổ chức ngày 26.11 tại Hà Nội. TS Lê Thị Tuyết Mai (Trung tâm Nghiên cứu ATGT, Học viện Cảnh sát nhân dân) lo ngại trước việc việc tổng số vụ TNGT có xu hướng giảm, nhưng TNGT liên quan đến rượu bia lại có xu hướng tăng lên. Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu ATGT về tình hình TNGT trên địa bàn 12 tỉnh cho thấy số người chết do TNGT liên quan đến rượu bia vẫn có xu hướng tăng cao trong những năm qua.
Ngoài kiểm tra nồng độ cồn, nhiều chuyên gia đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra cả nồng độ ma túy qua việc đo sự tỉnh táo của người điểu khiển xe. Ảnh: V.H
Cụ thể, năm 2010 có 79 người chết, 113 người bị thương; 2011 có 104 người chết, 92 người bị thương thì đến năm 2014 đã có 103 người chết, 18 người bị thương.
TS Lê Thị Tuyết Mai cho hay: “Có đến 77,13% số vụ người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia điều khiển xe máy gây tai nạn. Đáng chú ý, hầu hết các vụ việc đều được xử lý vi phạm hành chính, chỉ có 20,85% vụ tiến hành truy tố. Điều này cho thấy công tác xử lý chưa đủ sức răn đe”.
Phân tích về hành vi điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia của lái xe, TS Trịnh Tú Anh (Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM) cho rằng: “Người càng tự tin vào bản thân thì càng muốn thực hiện hành vi điều khiển xe khi đã sử dụng rượu, bia”. Chính vì vậy, TS Tú Anh khuyến nghị cần tác động vào yếu tố thay đổi hành vi thực hiện của các lái xe chứ không phải hành vi họ dự định ban đầu.
Đề xuất kiểm tra độ tỉnh táo của lái xe
Đặt vấn đề rộng hơn khi kiểm tra lái xe có đủ sức khỏe điều khiển phương tiện hay không, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia tư vấn Dự án JICA cho rằng không chỉ kiểm tra nồng độ cồn mà phải có phương pháp kiểm tra, đánh giá lái xe có sử dụng ma túy hay không.
TS Đức đề nghị lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra độ tỉnh táo của tài xế vì vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến việc lái xe. Đây là phương pháp đã được nhiều nước thực hiện dựa trên 3 bài kiểm tra đơn giản nhằm xác định tài xế có đủ tỉnh táo để lái xe hay không.
TS Nguyễn Hữu Đức cho hay: “Cái khó không phải ở việc thực hiện 3 bài kiểm tra mà ở thể chế thực hiện. Hiện ở nước ta sử dụng việc đo nồng độ cồn vì có thể định lượng được, còn kiểm tra độ tỉnh táo thì rất khó. Các nước khác cũng sử dụng kết quả kiểm tra khác nhau. Một là có dấu hiệu đưa về đồn luôn rồi kiểm tra tiếp, hai là đưa ra thang điểm và xử lý ngay tại chỗ”.
Để có thể đánh giá cụ thể hơn, TS Nguyễn Hữu Đức đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cho phép thực hiện một đề tài nghiên cứu về phương pháp kiểm tra này.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tăng cường xử phạt nặng bằng hình ảnh “Vai trò quản lý tổ chức giao thông, khoa học công nghệ trong ATGT là vô cùng lớn. Nếu làm thủ công không có phương tiện điều kiện kỹ thuật mới sẽ không giải quyết và quản lý được vi phạm. Về xử phạt, phải tăng mức xử phạt thật nặng, đặc biệt thông qua xử lý hình ảnh. Đề nghị Bộ GTVT tiếp thu những kết quả nghiên cứu về hằn lún vệt bánh xe, các giải pháp tổ chức giao thông, giải pháp thiết kế an toàn giao thông kết cấu hạ tầng giao thông, phương pháp đánh giá tác động tác động giao thông, giải pháp xử lý điểm đen TNGT, các giải pháp bảo đảm TTATGT khu vực nông thôn, ATGT tại đường ngang”. |