Dân Việt

Cho phép Trường “ngoại đạo” đào tạo y, bác sĩ: Vì sao lúc thụt, lúc thò?

Tùng Anh 27/11/2015 06:51 GMT+7
Việc Trường Đại học (ĐH) Kinh doanh và Công nghệ vừa được Bộ GDĐT cho phép đào tạo ngành y – dược sẽ không có gì đáng bàn nếu như cách đó chưa đầy 1 năm, Bộ GDĐT không ra quyết định tạm dừng mở ngành y – dược ở các trường đa ngành, không chuyên do lo ngại về chất lượng đào tạo.

Điểm đầu vào thấp

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ không phải là trường “ngoại đạo” đầu tiên được cấp phép đào tạo ngành y – dược. Hiện, cả nước có đến 70 trường có đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực này, trong đó có rất nhiều trường dân lập, đa ngành, có tên gọi… chả liên quan gì cũng tham gia đào tạo đội ngũ y, bác sĩ như: ĐH Võ Trường Toản; ĐH Thăng Long; ĐH Đại Nam; ĐH Công nghệ Đồng Nai; ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương; ĐH Đông Đô; ĐH Thành Đô…

img

Sinh viên Khoa Điều Dưỡng Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định. Ảnh: Tùng Anh

Điều đáng nói, trong khi điểm chuẩn đầu vào của các trường ĐH y – dược lúc nào cũng cao chót vót, đã từng có thí sinh đạt mỗi môn 9 điểm vẫn trượt, thì khoa y – dược của các trường không chuyên thường lấy điểm khá… khiêm tốn.

Cụ thể, mùa tuyển sinh năm 2015, điểm chuẩn đầu vào ngành Y đa khoa Trường ĐH Võ Trường Toản là 20 điểm, ngành dược là 15 điểm; ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) cũng lấy chuẩn đầu vào ngành dược sĩ là 15 điểm; ngành dược học ĐH Thành Đô lấy 14 điểm.

Điểm đầu vào thấp cộng với điều kiện cơ sở vật chất đào tạo không chuyên nghiệp và chưa có sự tham mưu về mặt chuyên môn của Bộ Y tế trong việc thẩm định mã ngành đã gây ra nhiều lo ngại về chất lượng đào tạo đội ngũ y – bác sĩ ở các trường ĐH không chuyên.

Đây cũng chính là lý do mà cuối tháng 12.2014, Bộ GDĐT đã phải ra quyết định dừng mở ngành y – dược đối với các trường đa ngành, không chuyên để rà soát, quy hoạch lại.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng – quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), Bộ GDĐT và Bộ Y tế đang triển khai từng bước việc đánh giá, thẩm định lại các điều kiện đào tạo ngành y – dược thuộc khối trường không chuyên, đánh giá lại nhu cầu nhân lực và quy hoạch mạng lưới đào tạo của các trường. “Chúng tôi đang bàn việc nâng cao điều kiện mở ngành của một số ngành thuộc khối khoa học sức khỏe. Khi văn bản này được ban hành, điều kiện mở ngành y dược sẽ được quy định theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo hơn so với các ngành khác” – bà Phụng nói.

Điều kiện khắt khe hơn

Trong bối cảnh nguồn nhân lực y – dược từ các trường ngoại đạo bị “nghi  ngờ” về chất lượng, việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ được cho phép tham gia lĩnh vực đào tạo này đã dấy lên nhiều lo ngại. GS-TS Vũ Văn Hóa – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ khẳng định, trường đã đảm bảo đủ các điều kiện khắt khe nhất để được phép mở ngành.

Theo ông Hóa, mặc dù chưa tuyển sinh nhưng ngay từ khi gửi hồ sơ chờ Bộ GDĐT xét duyệt mở ngành, trường đã mời được rất nhiều GS, PGS, TS đầu ngành về y – dược tham gia vào đội ngũ giảng dạy. “Hiện nay, số lượng cán bộ giảng viên hai khoa y và dược là 40 người, trong đó có hơn 10 GS, PGS, còn lại ở trình độ TS và thạc sĩ. Chúng tôi cũng đã bố trí 26 phòng ban để họ làm việc. Hiện, nhiều giảng viên đã ăn lương chính thức của trường mặc dù chưa giảng dạy”– ông Hóa nói.

Cũng theo ông Hóa, về cơ sở vật chất, không kể diện tích 10ha phòng ốc đã được xây dựng, trường còn đầu tư trang thiết bị giảng dạy lên tới 80 tỷ đồng, có ký túc xá 2.000 chỗ ở cho sinh viên, phòng thực hành, thí nghiệm đầy đủ và đạt chuẩn.

“Trường đang đề xuất lên Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) để có thể tuyển sinh 3 khối: Toán – lý – hóa; toán – hóa – sinh và toán – lý – sinh. Nếu được sẽ bắt đầu tuyển sinh vào tháng đầu 1.2016 và khai giảng khóa đầu tiên vào cuối tháng 1. Dự kiến khóa đầu chỉ tuyển 100 chỉ tiêu, thời gian đào tạo là 6 năm. Ông Hóa cũng cho biết, trường dự kiến sẽ ký hợp đồng với các bệnh viện để tạo điều kiện cho sinh viên thực tập...

Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga lý giải về việc cấp phép cho Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ mở ngành đào tạo y – dược ngay sau khi quyết định dừng mở ngành này còn chưa “ráo mực” là… vẫn nằm trong thẩm quyền và đúng với quy định.

“Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã trình hồ sơ xin cấp phép cách đây 3 năm, hiện bộ máy và cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đã được kiện toàn đầy đủ, trang thiết bị hiện đại, đủ tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế. Về chương trình đào tạo, Bộ GDĐT đã thẩm định và sẽ giám sát thực hiện thật khắt khe” – ông Ga nói.

Cũng theo ông Ga, trong điều kiện vẫn rất cần phải xã hội hóa lĩnh vực đào tạo y – dược, đơn vị nào đảm bảo đủ tiêu chuẩn Bộ GDĐT và Bộ Y tế sẽ phối hợp thẩm định điều kiện và cho phép đào tạo, không kể trường công hay trường tư.

Thực hành là quan trọng nhất

Điều kiện thực hành là quan trọng nhất đối với đào tạo sinh viên y khoa. Thực hành có 2 loại, lâm sàng và cận lâm sàng. Để thực hành tốt, trường phải có phòng Lab, phòng thí nghiệm, xác chết để thực hành giải phẫu… các trường phải đầu tư rất lớn. Ngoài ra, thực hành tại bệnh viện là điều không thể thiếu. Nếu các trường không có bệnh viện, phải liên kết thì phải thực hiện việc tổ chức thật tốt, đưa đón sinh viên, sắp xếp để phù hợp với hoạt động các bệnh viện. Điều này rất ít trường không chuyên ở nước ta làm được.

PGS-TS Phạm Mạnh Hùng – Phó Trưởng bộ môn Tim mạch – ĐH Y Hà Nội

Trường chuyên ngành được đánh giá cao hơn

Nếu được so sánh thì quả thực không công bằng. Để trở thành bác sĩ đa khoa của ĐH Y Hà Nội em phải đạt 28 điểm, nhưng ở các trường không chuyên chỉ cần trên 20 điểm. Em không biết điều kiện đào tạo ở các trường khác như thế nào nhưng chắc chắn sinh viên ĐH chuyên ngành y ra trường sẽ được đánh giá cao hơn.

Nguyễn Thị Hương – SV năm thứ 3 ĐH Y Hà Nội