Dân Việt

Độc đáo điệu múa tra hạt của người Khơ Mú

San Nguyễn 27/11/2015 09:49 GMT+7
Do vậy, không phải tự nhiên mà dân tộc Khơ Mú nổi tiếng với “điệu múa tra hạt”, mô tả động tác chọc lỗ, tra hạt của những cư dân nương rẫy.

Từ trước tới nay, người Khơ Mú chủ yếu sống dựa vào  nương rẫy. Cây trồng chính là lúa nương, ngô, khoai, sắn và dùng công cụ thô sơ để tra hạt: Dao, rìu, gậy chọc hốc. Do vậy, không phải tự nhiên mà dân tộc Khơ Mú nổi tiếng với “vũ điệu tra hạt”, mô tả động tác chọc lỗ, tra hạt của những cư dân nương rẫy. Đây là điệu múa không thể thiếu trong các ngày lễ lớn của dân tộc, như lễ hội cầu mùa, cầu mưa, tết đầu năm.

Theo ông Quàng Văn Cá, bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng (Điện Biên), người Khơ Mú làm nương theo lối đổi công, có thể là một nhóm, có khi cả bản cùng làm. Đàn ông đi trước chọc lỗ, phụ nữ mang túi hạt giống đi sau để gieo hạt.

img

Vũ điệu tra hạt trong lễ cầu mưa của người Khơ Mú ở bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng (Điện Biên).  Ảnh: S.N

Điệu múa tra hạt đã nghệ thuật hóa động tác chọc lỗ tra hạt trong lao động sản xuất. Những động tác tưởng chừng như khô khan cứng nhắc, nay trở nên uyển chuyển, mềm mại và có nhịp điệu. Đây còn là tiết mục vui chơi thu hút rất nhiều người tham gia, nhất là thanh niên nam, nữ.

Chiếc gậy chọc lỗ tra hạt  làm bằng gỗ cứng, dài từ 1,8m - 2m, đẽo nhọn ở đầu, có khi còn được bịt sắt. Gậy này có ba phần: Phần đầu bằng gỗ cứng, phần thân thường bằng tre và phần cuối gắn với các nhạc cụ được chế tác đơn giản, gồm những ống tre, nứa nhỏ cho sỏi vào trong. Khi chọc lỗ, âm thanh dội lên ở phần thân bằng tre như một hộp cộng hưởng. Những viên sỏi va đập vào ống tre, nứa tạo nên những âm thanh trầm bổng, tươi vui, rộn rã giữa non ngàn.

Đàn ông khỏe mạnh dàn hàng ngang đi trước, vừa nhún nhảy, vừa vung gậy chọc lỗ tra hạt, những âm thanh như đánh thức đất trời, khích lệ những người tham gia lao động. Các cô gái theo sau nhịp nhàng vung tay gieo những hạt lúa giống vào lỗ, chân gạt nhẹ lấp đất. Tất cả đều uyển chuyển, hài hòa...

Ngày nay, phương thức canh tác theo hình thức chọc lỗ tra hạt không còn phổ biến, nhưng điệu múa tra hạt thì vẫn tồn tại trong đời sống văn hóa văn nghệ của đồng bào. Múa tra hạt không còn chỉ hạn chế trong một gia đình hay dòng họ, mà nó là ngày hội chung của cả bản, cả vùng.

“Vũ điệu chọc lỗ tra hạt của người Khơ Mú với chiếc gậy độc đáo, gắn với nhạc cụ vang lên âm thanh tưng bừng rộn rã, như sự giao hòa âm dương, thức dậy những khát vọng về một cuộc sống ấm no hạnh phúc” – ông Cá chia sẻ.