Dân Việt

Nhiều thách thức cho sinh viên Việt Nam vì thiếu kỹ năng

Lê Phương 27/11/2015 09:00 GMT+7
Sáng 26/11, hội thảo nâng cao kỹ năng xã hội của sinh viên khi Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN có sự tham dự của đại diện nhiều trường ĐH trên địa bàn TPHCM. Các đại biểu chỉ ra rằng sinh viên hiện nay còn nhiều hạn chế về kỹ năng sẽ khó khăn khi bước vào hội nhập quốc tế.

Xu thế Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho lao động tri thức.

img

Bản thân sinh viên phải tự trang bị kỹ năng mới mong hội nhập (ảnh minh họa)

Ths Vũ Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Học viện quản lý Việt Nam cho rằng các sinh viên (SV) Việt Nam không chịu khó, lười tìm tòi. “Thậm chí một SV ngành Công nghệ thông tin khi được công ty giao nhiệm vụ thì em trả lời rằng “trả tiền bao nhiêu thì viết phầm mềm tương ứng vậy thôi”. Hình như các SV hiện nay càng ít có niềm tin rằng “làm việc chăm chỉ, chu đáo, tử tế ắt sẽ thành công”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Với tư cách là một nhà tuyển dụng, ông Tuấn Anh cho rằng điều mà các công ty cần ở SV là khả năng tư duy, sau đó đến thái độ rồi mới đến kiến thức, kỹ năng. Trong vấn đề đào tạo kỹ năng cho SV, theo ông Tuấn Anh nếu mỗi trường ĐH có 20 ngàn SV, nếu mà trường cũng dành thời gian đào tạo 10 kỹ năng cho SV thì chắc nên gọi là trường đào tạo kỹ năng mềm vì thời gian dạy kỹ năng đủ mất hết thời gian rồi. Theo ông Tuấn Anh: “Các thầy cô hãy truyền thông đến cho các SV rằng hãy tự học kỹ năng mềm thay vì đến lớp học. Kỹ năng mềm là những gì SV tích lũy hàng ngày chứ không thể nào đến lớp học dăm ba ngày để lấy cái chứng chỉ khoe ra. Người tuyển dụng cần kỹ năng mềm của SV thể hiện trong lúc triển khai công việc chứ không phải là tấm bằng mà thực chất không có giá trị”.

TS Tăng Hữu Tân, Giám đốc Trung tâm đào tạo phát triển kỹ năng xã hội trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng việc đào tạo kỹ năng mềm tại các trường ĐH, CĐ hiện nay chưa được chú trọng toàn diện, dù được đưa vào đào tạo chính quy nhưng chưa đảm bảo số lượng lẫn chất lượng. Dẫn chứng là chỉ có 45% các trường đưa kỹ năng mềm vào giảng dạy như môn học chính quy. Còn trong các trường có dạy môn học này thì tỷ lệ trung bình chỉ chiếm 3% trong tổng chương trình đào tạo.

Trong khi đó đối tượng chính là SV thì đã bắt đầu chủ động tìm hiểu kỹ năng mềm nhưng chưa đầu tư có hệ thống. Dẫn đến thực trạng là các nhà tuyển dụng hiện nay đánh giá SV ra trường vẫn thiếu kỹ năng mềm, chưa đáp ứng được yêu cầu vị trí công việc mà nhà tuyển dụng đưa ra.

Đánh giá những nhân tố ảnh hưởng đến việc trang bị kỹ năng mềm cho SV, TS Tăng Hữu Tân cũng nhìn nhận rằng “bản thân người SV chính là yếu tố quan trọng nhất rồi mới đến các yếu tố từ gia đình, nhà trường và xã hội. Nhà trường đóng vai trò định hướng thúc đẩy quá trình nhận thức của SV”.