Đẩy “bàn đèn” vào quá khứ
Nằm trên ngọn Pù Quăn cao ngất được mệnh danh là đỉnh trời của xứ Thanh, đã có một thời bản Pù Quăn nổi tiếng là ốc đảo hẻo lánh, bất khả xâm phạm bởi đường đi hiểm trở. Chính những người Dao sinh sống trên đỉnh núi này cũng không thể đi hết vùng đất của mình.
Thế hệ tương lai của Pù Quăn. |
Người già trong bản kể lại rằng: Chỉ hơn chục năm về trước, khắp cái nương, cái rẫy nơi này còn bạt ngàn sắc tím “ma mị” của hoa anh túc. Bản nằm biệt lập, chưa có đường lớn cho xe xuống trung tâm xã nên việc giao lưu buôn bán rất khó khăn. Con trâu, con bò, hạt lúa làm ra không bán được, duy chỉ có cây thuốc phiện là lớn nhanh lạ kỳ. Để lên Pù Quăn khi ấy phải băng đèo, leo dốc cả nửa ngày. Người ngoài vào không muốn ra, người ra rồi sợ chẳng dám vào.
Càng biệt lập, cây thuốc phiện càng có điều kiện sinh sôi. Trong mỗi ngôi nhà, ngoài vật dụng cho lao động sản xuất thì thứ không thể thiếu là cái bàn đèn hút thuốc phiện. Số người nghiện trong bản tăng dần theo tháng, hầu như nhà nào cũng trồng cây thuốc phiện. Cái rẫy bị bỏ hoang, con trâu, con bò không được chăm sóc nên gầy còm, ốm yếu và chết dần. Mỗi năm người Pù Quăn thiếu ăn vài ba tháng là chuyện thường...
Phải đến năm 2006, với quyết tâm vận động bà con xoá bỏ cây thuốc phiện và cai nghiện của Tổ công tác Đồn Biên phòng 493, tình hình mới dần biến chuyển. Phương châm “mưa dầm thấm lâu” và “ba cùng” với đồng bào đã dần phát huy tác dụng. Người già làm gương cai thuốc phiện, lớp trẻ cũng nhìn vào đó mà noi theo. Đến giờ, nhiều bà con trong bản vẫn gọi ông Tăng Ngọc San là “cứu tinh của sự sống”. Bằng bài thuốc dân gian có ngay trên núi Pù Quăn, ông San đã quyết tâm tự cai nghiện để làm gương cho dân bản. Nhờ vậy mà chỉ sau gần 2 năm, đến 2008, cả mấy chục người nghiện ở Pù Quăn đã từ bỏ được nàng tiên nâu.
Từ “ốc đảo” đến Hạ Sơn trù phú
“Tại đường giao thông không có, bản Pù Quăn lại ở nơi heo hút quá, cán bộ Pù Nhi chúng tôi ai cũng biết, cũng hiểu nhưng chưa tìm ra cách nào để giúp đồng bào. Thế nên khi có chính sách của Nhà nước đầu tư xây dựng khu tái định cư mới cho bà con gần tỉnh lộ 250, ai cũng mừng...” - anh Hơ Văn Dính - cán bộ phụ trách văn hóa xã Pù Nhi cho biết.
Anh Hơ Văn Dính
Ngay từ năm 2003, nghe theo lời của Đảng và được sự vận động của bộ đội biên phòng, từ 14 hộ người Dao đầu tiên ở Pù Quăn rời bản xuống lập bản mới Hạ Sơn, ngày nay đã có trên 40 hộ với gần 300 nhân khẩu xuống núi lập nghiệp. Rõ ràng xuống núi được tiếp cận thông tin, đường giao thông thuận lợi, hàng hóa sản xuất ra được tiêu thụ nhanh hơn và có giá trị hơn. Rời bản cũ Pù Quăn về Hạ Sơn, đồng bào Dao đã được huyện Mường Lát cử cán bộ khuyến nông chỉ dẫn tận tình để bà con rời bỏ tập quán canh tác cũ, biết trồng lúa nước, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Tỉnh đã hỗ trợ 300 nghìn đồng/sào để bà con khai hoang nương rẫy, ruộng bậc thang để tăng diện tích trồng cây lương thực. Bản mới Hạ Sơn giờ trông thật khang trang, trù phú với những ngôi nhà được xây theo lối kiến trúc của người Dao xếp quây quần dọc con đường huyết mạch lên huyện lỵ Mường Lát. Người bản Pù Quăn giờ sống tập trung, không còn phân tán, rải rác như trước. Đường giao thông thuận lợi, nhà nào có công có việc cả bản đến giúp dễ dàng hơn. Người ốm được đưa đi trạm xá xã và bệnh viện huyện gần hơn. Bà con không phải đi chợ huyện từ nửa đêm nữa mà lúc nào đi cũng được. Có người đã mở những sạp hàng nho nhỏ tại nhà để tăng thu nhập.
Bản Hạ Sơn hiện có hơn 2/3 số hộ đã sắm được xe máy, còn ti vi thì hầu hết nhà nào cũng đã có. Trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, hiện nay cả bản có hàng chục em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. “Dù trong điều kiện như thế nào, chúng tôi cũng khuyến khích các gia đình tạo điều kiện để đầu tư cho con cái học hành đến nơi, đến chốn. Thế hệ trẻ có học hành cẩn thận thì vùng quê này mới ngày càng khởi sắc...” - Trưởng bản Triệu Văn Lỉu khẳng định.
Nguyễn Trương Huyền