Cuộc “chiến tranh ngôn từ” giữa Moscow và Ankara không có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi máy bay Su-24 của Nga bị chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ. Mới nhất, Moscow đe dọa phạt kinh tế để trả đũa Ankara, song một cuộc “chiến tranh thương mại” sẽ khiến cả hai bên phải trả giá đắt.
Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga ngày 24.11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mạnh mẽ cáo buộc đây là “hành vi đâm lén sau lưng của kẻ đồng lõa với bọn khủng bố” đồng thời đe dọa Ankara sẽ lĩnh hậu quả sau sự kiện này.
Trong khi đó, về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tố cáo Moscow giả dối và nhấn mạnh, những lời cáo buộc nặng nề của nhà lãnh đạo Nga Putin là “một sai lầm nghiêm trọng”.
Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đang lao vào "cuộc chiến tranh ngôn từ'" sau vụ máy bay Su-24 bị bắn hạ.
Diễn biến mới nhất của “cuộc chiến tranh ngôn từ” giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là Moscow đe dọa trừng phạt kinh tế để trả đũa Ankara.
Moscow nhấn mạnh, nước này đã thắt chặt việc kiểm soát thực phẩm và nông nghiệp nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của Nga cho hay, đã xuất hiện những quan ngại về chất lượng cũng như mức độ an toàn của quần áo, đồ nội thất cũng như các sản phẩm làm sạch có xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, theo CNN, một “cuộc chiến tranh thương mại” sẽ khiến cả hai bên phải trả giá đắt. Dưới đây là lời giải đáp cho nhận định trên.
1. Nga không có nhiều bạn bè quốc tế
Thực tế, Nga không có nhiều đối tác kinh doanh trên trường quốc tế, đặc biệt là sau khi phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì khủng hoảng Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số ít các đối tác của Nga bởi nước này không gia nhập vào liên minh các nước châu Âu, Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga.
Trong năm 2014, theo số liệu thống kê ngoại thương của Thổ Nhĩ Kỳ, giá trị xuất khẩu sang Nga đạt 5,9 tỷ USD trong khi giá trị nhập khẩu từ Nga lên tới 25,2 tỷ USD.
Ngoài ra, Ankara thậm chí còn có kế hoạch đẩy mạnh thương mại với Moscow, hướng đến mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD giá trị thương mại vào năm 2020.
Nga - Thổ Nhĩ Kỳ vốn là đối tác thương mại quan trọng và chiến lược của nhau. Tuy nhiên, sự cố Su-24 đang đe dọa mối quan hệ này.
Trong cuộc gặp thân mật với Tổng thống Putin hồi tháng 9 mới đây, Tổng thống Erdogan cũng đã nhắc lại mục tiêu trên.
Đáp lại, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, Moscow rất hài lòng trước sự phát triển trong quan hệ song phương với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai nước sau sự kiện Su-24 bị bắn hạ có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga và Moscow đã ít bạn bè, sẽ càng thêm ít bạn bè hơn.
2. Mối liên kết năng lượng chiến lược
Mới chỉ cách đây một năm, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết một loạt thỏa thuận năng lượng chiến lược quan trọng. Một trong số đó là dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ - một kế hoạch xây dựng hệ thống đường ống mới để dẫn khí đốt từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ, và sau đó là thị trường châu Âu tiềm năng.
Dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ được cho là kế hoạch thay thế cho dự án Dòng chảy Phương Nam vốn đi qua Ukraine. Dự án Dòng chảy Phương Nam bị đổ bể năm ngoái do căng thẳng leo thang trong quan hệ Nga – Ukraine liên quan đến việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea đồng thời ủng hộ lực lượng ly khai ở Đông Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ hiện là khách hàng mua khí đốt tự nhiên lớn thứ 2 của Nga, sau Đức.
Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng quan trọng của Nga trong lĩnh vực năng lượng.
Ngoài ra, Nga còn đang chạy dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, được đặt tại Mersin trên bờ biển phía nam của nước này.
Dự án xây dựng đã khởi công vào tháng 4 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020. Theo thỏa thuận, được ký kết trong năm 2010, Nga sẽ tài trợ cho dự án này 22 tỷ USD và sau đó giữa vai trò vận hành nhà máy điện hạt nhân này.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, cả dự án nhà máy điện hạt nhân lẫn Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đều có khả năng bị gián đoạn, nếu Moscow quyết tâm áp dụng trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 26.11, Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexey Ulyukaev cho hay, cả hai dự án trên đều có khả năng trở thành đối tượng của các lệnh trừng phạt mà nước này đang cân nhắc áp dụng đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
3. Du lịch
Nếu Ankara là thị trường năng lượng khổng lồ của Moscow thì khách du lịch Nga lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với ngành công nghiệp du lịch Thổ Nhĩ Kỳ.
Ước tính, khoảng 4,5 triệu người Nga đến du lịch tại Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2014.
Theo dữ liệu của Ankara, nhóm du khách Nga chiếm hơn 12% trong tổng lượng khách du lịch đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ hàng năm. Đây là nhóm khách du lịch lớn thứ 2 chỉ sau Đức của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ là địa điểm thu hút khách du lịch châu Âu, đặc biệt là Nga.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin đã khuyến cáo người Nga không tới Thổ Nhĩ Kỳ du lịch ngay sau khi máy bay Su-24 bị bắn hạ. Cơ quan Du lịch Liên bang Nga cũng yêu cầu các công ty lữ hành ngừng bán các tour du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, sau khi máy bay chở khách Airbus A321 của Nga cất cánh từ khu nghỉ mát nổi tiếng Sharm el Sheikh của Ai Cập bị gài bom và rơi xuống sa mạc Sinai ngày 31.10, nhiều người Nga đã hủy tour tới Ai Cập.
Thời điểm đó, Ankara hoàn toàn có thể kỳ vọng, doanh thu du lịch của họ sẽ tăng lên khi khách du lịch Nga sẽ xoay chiều, lựa chọn Thổ Nhĩ Kỳ thay cho Ai Cập. Tuy nhiên, việc bắn hạ Su-24 Nga đã dập tắt viễn cảnh đó.
4. Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang khó khăn
Nền kinh tế Nga đang lao đao vì giá dầu thấp và các lệnh trừng phạt của phương Tây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán GDP của Nga sẽ giảm 3,8% trong năm nay, và thậm chí giảm sâu thêm 0,6% trong năm 2016.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng không khá hơn. Nhiều tháng bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử bị bỏ lửng, không đưa lại kết quả cuối cùng hồi tháng 6 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Tăng trưởng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm mạnh trong những tháng gần đây. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nền kinh tế nước này sẽ chỉ tăng trưởng 3,1% trong năm nay và 3,6% vào năm 2016 – mức rất thấp so với đà tăng 9% năm 2010 và 2011.
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã giảm 20% so với đồng USD trong năm nay. Điều này khiến Thổ Nhĩ Kỳ tốn kém hơn để trả các khoản nợ nước ngoài ngắn hạn 125 tỷ USD.
Do đó, theo CNN, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn về mặt kinh tế và đều cần những đòn bẩy để tăng trưởng, chứ không phải là thêm một “cú sốc” mới.