Dân Việt

“Vũ khí” mới chống siêu kháng thuốc lao

Tuấn Kiệt 28/11/2015 08:30 GMT+7
Mỗi năm Việt Nam có hơn 5.100 bệnh nhân lao kháng thuốc mới, trong đó gần 6% là lao siêu kháng thuốc. Lao siêu kháng thuốc khiến cho việc điều trị tốn kém, kéo dài, làm tăng nguy cơ lây lan vi khuẩn lao ra cộng đồng, tỷ lệ tử vong cũng cao hơn.

img

Việt Nam dùng thuốc, phác đồ mới trong điều trị lao kháng thuốc. Ảnh: TTXVN

Theo PGS-TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư, Chủ nhiệm Chương trình phòng chống lao quốc gia, mỗi năm Việt Nam phát hiện khoảng 130.000 ca mắc lao mới. Mỗi năm cũng có hơn 17.000 người tử vong vì bệnh lao. Tuy nhiên hiện vẫn còn khoảng 30% bệnh nhân lao ở cộng đồng chưa được phát hiện. Không những thế, do tâm lý xấu hổ, giấu bệnh, do phác đồ điều trị lao kéo dài nên nhiều bệnh nhân nản chí, bỏ điều trị, dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc ngày càng cao.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 5.100 bệnh nhân lao kháng thuốc, đứng thứ 14/25 quốc gia có tình trạng lao kháng thuốc cao trên thế giới. Trong đó 6% (300 người) số ca là siêu kháng thuốc, đây là nhóm bệnh nhân khiến y học “bó tay”. Theo TS Nhung, hiện nay, tỷ lệ điều trị lao kháng thuốc thành công lên đến 70% nhưng tỷ lệ này ở lao siêu kháng thuốc chỉ đạt 7%. Cộng lại, mỗi năm cả nước có khoảng 550 bệnh nhân lao điều trị không thành công, vi khuẩn lao kháng mọi loại thuốc hiện có.  “Người bệnh lao “hết thuốc chữa” không chỉ nguy hiểm đến tính mạng mà còn là mối nguy cơ lớn lây bệnh ra cộng đồng” – TS Nhung cho biết.

TS Nhung chia sẻ, phác đồ điều trị lao kháng thuốc kéo dài như hiện nay (20-24 tháng), kết hợp nhiều loại thuốc độc tính cao khiến nhiều bệnh nhân chán nản, mệt mỏi nên không tuân thủ phác đồ điều trị. Mới đây, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố thuốc Bedaquiline - loại thuốc mới đầu tiên trong hơn 40 năm qua dùng để điều trị lao kháng thuốc. Hiện Việt Nam cũng đã nhận được tài trợ, thử nghiệm dùng thuốc chống lao kháng thuốc thế hệ mới trên 100 bệnh nhân lao kháng thuốc. Tỷ lệ khỏi bệnh cũng cao hơn (80%), chi phí rẻ hơn so với phác đồ cũ.

“Phác đồ mới sẽ được thí điểm, sau đó tổng kết rút kinh nghiệm, nếu hiệu quả sẽ mở rộng. Hy vọng với “vũ khí” mới này, vi khuẩn lao kháng thuốc sẽ bị đánh bại” – TS Nhung cho biết.