Để hiểu rõ hơn về những kinh nghiệm, cũng như khó khăn trong công tác bố trí, sắp xếp dân cư của tỉnh, phóng viên Dân Việt đã có trao đổi với ông Ngô Trọng Mỹ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ).
Đường giao thông, đường điện được xây dựng khang trang, hiện đại tại khu tái định cư bản Hạ Thành, xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ. Ảnh: Đăng Quang
Ông Mỹ cho biết: Đến nay, nhìn chung các dự án đều rất thành công, người dân rất đồng thuận. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai một số dự án vẫn còn những hạn chế nhất định. Để rút kinh nghiệm, một số công trình đã và đang triển khai như dự án khu tái định cư vùng sạt lở, vùng xung yếu của rừng phòng hộ và hộ di cư tự do tại xã Tân Phú (huyện Tân Sơn); hạ tầng định cư di dân vùng lũ quét thuộc khu 3a xã Mỹ Lung, khu Xuân Thắng, xã Mỹ Lương và vùng sạt lở đất xã Trung Sơn (huyện Yên Lập)… đều đã được nâng mức quy hoạch diện tích đất cho mỗi gia đình lên 300 - 400m2, để phục vụ tốt hơn đời sống sinh hoạt cho bà con tại khu định cư mới.
Cụ thể đó là những hạn chế, thách thức gì, thưa ông?
- Trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, thực hiện các dự án, chúng tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn, trong đó có thể kể đến những khó khăn chính như phong tục tập quán của đồng bào DTTS còn lạc hậu, như đồng bào Dao ở thôn Dấu Cỏ, xã Đông Cửu, khi khu tái định cư đã được xây dựng kiên cố, nhiều hộ mời thầy cúng về làm lễ, nếu được thầy cho chuyển mới đi, không thì phải chờ ngày đẹp mới chuyển. Tuy vậy chúng tôi đã luôn sát cánh với địa phương, kiên trì tuyên truyền giảng giải, sau đó bà con đã hiểu và nhanh chóng chuyển đến nơi ở mới.
Song khó khăn nhất của tỉnh đến giờ vẫn là vốn để triển khai dự án. Hiện với các dự án còn lại đang thiếu khoảng 30% vốn (khoảng 200 tỷ đồng) mới có thể hoàn thành được theo kế hoạch. Ngoài ra, việc cấp đất cho đồng bào đến nơi tái định cư mới cũng gặp khó khăn, vì phần lớn các khu đã được quy hoạch hết, chỉ trông chờ vào sự điều chỉnh đất nông lâm trường của nhà nước thì mới giải quyết được.
Từ những thành công đã đạt được, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm để các địa phương khác cùng làm?
- Để thực hiện thành công các dự án theo đúng kế hoạch chương trình, chúng tôi luôn coi trọng phương pháp tuyên truyền, đây là việc làm khá khó khăn, nhưng nếu kiên trì, cho cán bộ xuống “3 cùng” (cùng ăn, ở, sản xuất) với bà con thì sẽ làm được. Bên cạnh việc gắn quy hoạch nơi ở mới với quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới để người dân thật sự “an cư”, chúng tôi còn rất quan tâm đến các chính sách về đất sản xuất, chăn nuôi để người dân tái định cư yên tâm, ổn định cuộc sống.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực đưa mô hình có sự tham gia của người dân trong quá trình quy hoạch và thực hiện quy hoạch, để các điểm tái định cư mang tính khả thi cao.
Từ năm 2009 - 2015, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng 17 dự án bố trí dân cư phòng tránh thiên tai cho khoảng hơn 2.000 hộ, chủ yếu tại 3 huyện trọng điểm là Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập với số vốn lên đến 500 tỷ đồng. Đến nay 10 dự án đã hoàn thành, hiện còn 7 dự án đang trong quá trình hoàn thiện. |