Số liệu thống kê từ UBND TP cho thấy từ khi tổ chức thu phí (tháng 6/2015) đến nay đã có 12/24 quận huyện thu được phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Theo dự kiến mức phí này của năm 2015 sẽ là 307 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay mới thu được 3,1 tỷ đồng.
Việc thu phí xe máy tại TP.HCM gặp rất nhiều "trắc trở" trong thời gian qua.
Do đó nơi này đề nghị tạm dừng việc thu phí từ ngày 1/1/2016. Điều này đồng nghĩa thời gian còn lại của năm các quận huyện sẽ tiếp tục thực hiện thu phí. Đề xuất này tương tự với đề nghị của các thành viên Chính phủ trong phiên họp thường kỳ vào ngày 30/9 vừa qua.
Trong kỳ họp này UBND TP còn dự định sẽ trình tờ trình về Kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2016 bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Theo đó số tiền dự tính sẽ chi cho hoạt động này vào khoảng 23.000 tỷ đồng (không tính tiền trả nợ gốc và lãi).
Con số trên được đưa ra sau khi UBND thành phố xem xét kết quả thu chi ngân sách năm 2015 cùng triển vọng về tăng trưởng kinh tế trong 5 năm tiếp theo. Như vậy so với năm ngoái số tiền này tăng hơn 2.000 tỷ.
Cũng theo UBND TP thì nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong năm 2015 đã được sử dụng hiệu quả vào các dự án như chống ngập, đầu tư cho giao thông, giáo dục, y tế (giải phóng mặt bằng dự án xây dựng tuyến đường sắt Bến Thành – Suối Tiên, mở rộng xa lộ Hà Nội, cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây.
Bên cạnh hai tờ trình trên HĐND cũng sẽ xem xét một số tờ trình khác như tờ trình như: Chương trình giảm nghèo bền vững của TP (giai đoạn 2016-2020); Mức thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng và tỉ lệ phần trăm trích để lại cho cơ quan thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn TP; Điều chỉnh mức thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội…
Ngoài ra UBND TP sẽ xin HĐND TP cho ý kiến về 3 dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Củ Chi và Bệnh viện Hóc Môn (mỗi bệnh viện quy mô 1.000 giường) bằng nguồn vốn ngân sách TP. Cả 3 dự án được dự kiến sẽ tiến hành từ 2016 đến 2021 với tổng mức đầu tư 5.700 tỷ đồng.