Dân Việt

Quốc hội chính thức thừa nhận người chuyển giới: Niềm vui mới chỉ... một nửa

Diệu Linh (thực hiện) 30/11/2015 06:58 GMT+7
Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã “bật đèn xanh” cho người chuyển giới được công nhận giới tính mới, sửa tên, ảnh trên chứng minh thư. Tuy nhiên, ông Lương Thế Huy – Giám đốc Chương trình Quyền LGBT (quyền cho người đồng tính nam - nữ, song tính, chuyển giới) của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) cho biết, quyền lợi này mới chỉ tạo được một nửa niềm vui...

Dường như ông đang cười hoài không biết chán?

img

Người chuyển giới họp mặt chia sẻ niềm vui khi Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) công nhận người chuyển giới.   Ảnh: D.L

- Không chỉ tôi mà rất nhiều bạn chuyển giới, đồng tính đều đang rất vui. Vào đêm trước khi Quốc hội bấm nút thông qua Điều 37, nhiều người trong chúng tôi đã không ngủ được. Như vậy, pháp luật đã thừa nhận, tôn trọng chúng tôi. Trong suốt hơn 1 năm qua, kể từ hội thảo đầu tiên về chủ quyền của người chuyển giới do Bộ Tư pháp tổ chức vào tháng 3.2014, chúng tôi đã tổ chức hàng loạt các cuộc đối thoại, các hoạt động nhằm bày tỏ quan điểm, chia sẻ các vấn đề bức xúc của người chuyển giới. Có người còn cho rằng nếu công nhận chuyển giới sẽ “tiếp tay” cho những người phạm tội phẫu thuật để trốn tránh pháp luật hoặc phẫu thuật vì “cao hứng” nhất thời. Chúng tôi đã chứng minh bằng những câu chuyện cụ thể, đầy đau đớn và nước mắt. Và thật may, tiếng nói của chúng tôi đã được lắng nghe.

Điều đau đớn và nước mắt mà   ông đề cập đến là gì vậy?

- Khác với người đồng tính, các bạn chuyển giới (nam muốn là nữ, nữ muốn là nam) thường có bề ngoài đối nghịch hẳn so với giới tính mình sinh ra. Do đó, các bạn thường gặp sự kỳ thị ngay từ nhỏ. Trong trường bị bạn bè dè bỉu, về nhà bị bố mẹ đánh đập, chửi mắng cho “chừa thói bán nam bán nữ” nên họ thường bỏ học giữa chừng, trình độ văn hóa thấp, nhiều bạn phải bỏ nhà đi bụi. Trong các nghiên cứu của chúng tôi, các bạn chuyển giới thường làm những nghề vô cùng rủi ro, nhiều thương tổn như hát đám ma, biểu diễn tạp kỹ, biểu diễn thời trang, phục vụ quán bar. Có một tỷ lệ không nhỏ các bạn phải đi bán dâm. Người chuyển giới “vô hình” trong luật pháp, không lên được máy bay vì khai sinh và bề ngoài khác nhau… Họ không được phép kết hôn, không cơ sở y tế nào nhận phẫu thuật và điều trị hoóc môn  cho người chuyển giới…

Với việc được pháp luật thừa nhận, người chuyển giới sẽ tránh được những nỗi đau này. Ngoài ra, họ sẽ giảm bớt được sự kỳ thị của xã hội. Họ có quyền kết hôn sau khi làm lại giới tính (vì lúc đó hôn nhân của họ là dị tính). Nhưng cũng chỉ số ít được hưởng niềm vui này.

Tại sao nói là người chuyển giới mới chỉ “vui một nửa”?

-Điều 37 trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã cho phép “cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch, có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi”. Như vậy, chỉ những người chuyển giới đã qua phẫu thuật mới được xã hội thừa nhận. Theo rà soát của iSEE năm 2015, ở Việt Nam chỉ có 1/10 người chuyển giới đã từng phẫu thuật ít nhất 1 bộ phận trên cơ thể. Hầu hết họ chỉ thay đổi bề ngoài, uống hormone để điều chỉnh nội tiết tố. Như vậy, có đến 80-90% người chuyển giới vẫn nằm ngoài luật. Theo một số nghiên cứu, người chuyển giới chiếm khoảng 0,2-0,3% dân số, ở Việt Nam tương đương với gần 300.000 người. Như vậy, chỉ có khoảng hơn 20.000 người được thụ hưởng niềm vui của sửa đổi Bộ luật Dân sự lần này. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động pháp lý, cất lên tiếng nói để hy vọng sẽ đến một ngày 90% người chuyển giới còn lại sẽ tiếp tục được luật pháp quan tâm đến.

Ông có thể chia sẻ thêm về nhu cầu phẫu thuật chuyển giới của cộng đồng người chuyển giới hiện nay tại Việt Nam?

-Khảo sát nhu cầu pháp lý của người chuyển giới năm 2014 của iSEE cho thấy, 78% người chuyển giới muốn phẫu thuật chuyển giới tuy nhiên mới 1/10 người chuyển giới đã phẫu thuật. Hơn 20% còn lại không muốn vì pháp luật chưa công nhận, chưa đủ điều kiện kinh tế, sợ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, sợ bị kỳ thị, gia đình chưa cho phép. Nghiên cứu cũng cho thấy, 100% các ca phẫu thuật liên quan đến bộ phận sinh dục đều thực hiện ở nước ngoài do bệnh viện Việt Nam bị cấm phẫu thuật chuyển giới. Chỉ tính riêng 1 bệnh viện ở Thái Lan (giá rẻ), người Việt Nam sang phẫu thuật từ nam sang nữ trung bình 1 ngày có 3 người phẫu thuật một phần, cứ 2 ngày lại có một người sang phẫu thuật toàn bộ. Như vậy, chỉ tại bệnh viện này, mỗi năm có khoảng 1.300 người chuyển giới Việt Nam sang phẫu thuật chuyển đổi 1 phần hoặc toàn bộ. Còn người chuyển giới từ nữ sang nam mỗi năm có khoảng 100 người thực hiện phẫu thuật cắt ngực tại cả Việt Nam và Thái Lan. Việc phải ra nước ngoài phẫu thuật khiến người chuyển giới phải chịu chi phí đắt đỏ, nền y tế Việt Nam cũng mất một nguồn ngoại tệ lớn. Đồng thời, do trong nước không được phép thực hiện chuyển giới nên người chuyển giới phải tự mua hormone trôi nổi để uống, rủi ro về sức khỏe rất lớn.

Theo ông, để Điều 37 đi vào cuộc sống thì cần phải chuẩn bị những gì?

- Điều 37 vẫn có một “câu hỏi” rất lớn. Điều 37 chưa ghi rõ thế nào là được công nhận “đã chuyển đổi giới tính”? Nếu một người chỉ cắt ngực, nâng ngực có đươc công nhận là “chuyển đổi giới tính” hay là phải cắt bỏ bộ phận sinh dục? phải uống hormone? Do đó cũng cần các văn bản quy định rõ. Xu hướng trên thế giới là chỉ cần giấy xác nhận tâm lý về giới tính và sử dụng hormone liên tục ít nhất 12 tháng là có thể thay đổi giới tính trên giấy tờ (không cần phẫu thuật). Phẫu thuật chuyển giới là một quyền, nhưng cũng không nên coi đó là điều kiện bắt buộc để có thể thay đổi giấy tờ, vì việc đó rất tốn kém, nguy hiểm và không phải người chuyển giới nào cũng sẵn sàng trải qua.

Xin cảm ơn ông!