Ông Lê Văn Duẩn - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư mỏ và Công nghiệp - TKV cho biết, trong những năm tới, tình hình cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện sẽ vô cùng căng thẳng. Đến năm 2017, Việt Nam sẽ bắt đầu thiếu than cho sản xuất điện và đến năm 2020 sẽ thiếu than trầm trọng.
Than nhập khẩu về cảng Cẩm Phả, Quảng Ninh. Ảnh: I.T
Theo ông Lê Văn Duẩn, TKV vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhập khẩu than. Hiện nay, có 4 thị trường tiềm năng có thể nhập than cho Việt Nam là: Australia, Indonesia, Nga và Nam Phi. Ngoại trừ Indonesia có giá cả phải chăng, 3 thị trường còn lại chi phí vận chuyển rất cao. Tuy nhiên, Indonesia chỉ là thị trường ngắn hạn, vì trong tương lai, nhu cầu sử dụng than nội địa của nước này cũng tăng cao.
Phó Tổng Giám đốc EVN – ông Ngô Sơn Hải cho rằng, bên cạnh việc nhập khẩu than, ngành than cũng cần chú ý đến vấn đề quy hoạch, nâng cấp các cảng than khu vực phía Nam. Hiện nay, việc cung ứng than tại các cảng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Ở một số cảng, tàu trọng tải lớn không vào được, trong khi nhu cầu than rất cấp bách. Ngoài ra, ngành than cũng cần có các kho than dự trữ ở khu vực phía Nam, đề phòng các trường hợp rủi ro như mưa, bão... Hiện nay, tuy các nhà máy điện đều có kho dự trữ than (cho khoảng 20-30 ngày chạy máy), nhưng khi xảy ra các sự cố lớn như mưa bão, lũ lụt kéo dài..., việc cấp than cho nhiệt điện sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo dự báo của TKV, nhu cầu sử dụng than cho sản xuất và tiêu dùng của các hộ trong nước sẽ ngày càng tăng cao. Năm 2020 là trên 88 triệu tấn; năm 2025 là 133 triệu và đến 2030 là 178 triệu tấn. Từ năm 2017, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than.