Việt Nam có 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới được UNESCO công nhận. Tuy nhiên, quyền lợi mà cộng đồng địa phương được hưởng tại các khu di sản ra sao lại là vấn đề Việt Nam thiếu kinh nghiệm thực hiện.
Kể từ khi quần thể Di tích cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (1993), đến nay, Việt Nam đã có 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới được UNESCO công nhận. Đây là những tài sản vô giá và một số Di sản Thế giới ngày càng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch ở địa phương.
Tuy nhiên, quyền lợi mà cộng đồng địa phương được hưởng tại các khu DSTG ra sao lại là vấn đề Việt Nam thiếu kinh nghiệm thực hiện. Vì thế, lần đầu tiên, hội thảo khoa học quốc tế “Sự tham gia của cộng đồng và cách tiếp cận quyền tại các khu di sản thế giới” đã được Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Bộ VH-TT&DL tổ chức tại Hà Nội vào ngày 26 và 27-11, nhằm tìm ra những chính sách phù hợp để cộng đồng được tham gia nhiều hơn vào quá trình quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản.
Một số di sản thế giới đã có sự tham gia sâu sát của người dân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị, như khu phố cổ Hội An, quần thể di tích cố đô Huế, vịnh Hạ Long trong hoạt động kinh doanh nhà hàng, khách sạn, du lịch v.v… phục vụ du khách; sự tham gia của những người dân chèo thuyền phục vụ du khách tại quần thể danh thắng Tràng An…
Tuy nhiên, không phải nơi nào, quyền của người dân địa phương cũng được coi trọng, mà nhiều nơi, dù người dân phải chịu nhiều ảnh hưởng khi quy hoạch di sản thế giới, nhưng lại không được hưởng lợi gì sau khi di sản được công nhận, thậm chí, họ còn thiệt thòi hơn với những ràng buộc trách nhiệm phải gánh. Việc đòi trả lại danh hiệu Di sản ở làng cổ Đường Lâm, phố cổ Hà Giang là những điển hình về quyền của cộng đồng với di sản ra sao. Trong khi, muốn phát triển bền vững, phải có sự cân bằng lợi ích giữa các bên, đặc biệt là cộng đồng địa phương phải được hưởng lợi từ di sản, bởi, họ là chủ thể sáng tạo nên những giá trị trường tồn của di sản.
Gắn bó với nhiều di sản thế giới ở Việt Nam, bà Katherine Muller-Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Việt Nam tại Hà Nội cho rằng, các mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng đã và đang đặt ra những nguy cơ, rủi ro, thậm chí, còn tạo áp lực đe dọa chính các khu Di sản. Người dân địa phương, chủ thể của các sinh kế, truyền thống và niềm tin nhiều thế hệ nay vẫn dựa vào các nguồn lực di sản tại chỗ, đã và đang chịu nhiều tác động của quá trình tăng trưởng nóng về kinh tế, đô thị hóa và cả chính những quy định mới về bảo tồn. Cộng đồng địa phương cũng không dễ dàng thực hiện trách nhiệm giữ gìn di sản, nếu thiếu một cơ chế tạo cơ hội cho họ thực hiện các quyền đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Sau khi cùng các chuyên gia quốc tế chọn di sản thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng là trường hợp nghiên cứu điển hình, Peter Bille Larsen (Đại học Lucerne) cho biết quá trình hình thành di sản thế giới đã ảnh hưởng đến đất đai, tài nguyên và quyền sở hữu của cộng đồng bản địa và địa phương. Trong khi người dân bị hạn chế khai thác gỗ, canh tác nương rẫy, thì di sản thế giới đang được giao cho các đơn vị Nhà nước và tư nhân để khai thác du lịch, khu vực vốn là quyền hoạt động tập quán truyền thống bị thu hẹp. Trong khi khả năng tiếp nhận các hình thức trao quyền về kinh tế và xã hội của di sản thế giới cho bên thứ ba nhanh, thì việc giải quyết quyền sử dụng tài nguyên và đất cộng đồng chậm.
Peter Bille Larsen cũng cho rằng, văn hóa di sản sống là một phần không thể tách rời với Phong Nha-Kẻ Bàng, nhưng có nguy cơ cao mất ngôn ngữ, tác động tiêu cực của dự án và chính sách phát triển chưa phù hợp, bởi sự áp đặt chủ quan.
Việc cấm sử dụng rừng theo tập quán du canh truyền thống-là một phần sinh thái văn hóa của Phong Nha-Kẻ Bàng là đi ngược mục tiêu lâu dài của bảo tồn đa dạng văn hóa. Tầm quan trọng về văn hóa trong khu vực linh thiêng, lịch sử và khu vực sử dụng theo tập tục không được công nhận, bỏ qua việc sử dụng theo phong tục của các dân tộc thiểu số với hang động. Trong khi doanh thu từ Phong Nha-Kẻ Bàng tăng lên gần 3.000 tỷ đồng, thì tỉ lệ nghèo trong các dân tộc thiểu số ở khu vực này là gấp đôi so với cả tỉnh, do quyền sinh kế truyền thống bị xem nhẹ.
Người dân cũng không được chia sẻ quyền lợi công bằng như UNESCO khuyến cáo từ năm 2011. Du lịch dùng hình ảnh người dân tộc thiểu số làm điểm hút du khách, nhưng lại không thuê người dân tộc làm du lịch. Người dân bản địa chịu ảnh hưởng từ việc mở rộng phạm vi bảo vệ di sản thế giới, nhưng lại không được lợi ích gì từ việc hình thành di sản thế giới, nhất là nhóm dân tộc Rục và Arem và sự tồn vong về văn hóa đang bị đe dọa nghiêm trọng. Do đó, cần cấp thiết xem lại phương thức quản lý và những thoả thuận chia sẻ lợi ích.
Từ những thực tế về quyền của cộng đồng tại các di sản thế giới như Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hội An, cố đô Huế v.v… các chuyên gia chính sách đề xuất các vấn đề chính cần quan tâm trong việc phát huy, bảo vệ giá trị di sản: Quyền về đất đai khi quy hoạch khu di sản nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng và giải quyết cẩn trọng, vì kèm theo việc sắp xếp lại dân cư sống trong vùng lõi di sản (Huế hơn 3.000 dân, Tràng An 14.000 dân, Hạ Long (làng chài) vì họ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Người dân bản địa cần được bảo đảm quyền sinh kế, nên họ phải được làm rõ được chia sẻ lợi ích gì từ du lịch và chi trả dịch vụ môi trường thế nào? Họ cũng có quyền về văn hóa, như tiếp cận di sản, thực hành nghi lễ. Người dân trong vùng di sản cũng có quyền tham gia vào quá trình quy hoạch, để làm rõ những lợi ích hay hạn chế trong tương lai. Cần lồng ghép các quy định về bảo vệ quyền con người trong khung pháp lý về quản lý di sản. Bổ sung cơ chế đối thoại, phản hồi, giải quyết thắc mắc với người dân trong tiến trình của di sản thế giới.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên cho biết, những ý kiến tại hội thảo sẽ được Bộ VH-TT&DL đúc rút để áp dụng và đưa vào dự thảo Nghị định quy định về quản lý và bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam dự kiến ban hành trong năm 2016.