Dân Việt

Từ vụ TNGT làm 14 người thương vong ở Gia Lai: Xe máy kéo bị thả lỏng

Đồng Nguyên 01/12/2015 06:34 GMT+7
Vụ việc xe tải đâm vào xe công nông tối 27.11 tại xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, Gia Lai, làm 5 người chết, 9 người bị thương. Từ vụ việc này cho thấy một thực tế là theo các quy định hiện hành, chỉ có xe công nông (tức xe công nông đầu ngang) mới bị cấm lưu hành, còn xe máy cày điều khiển bằng càng (loại xe trong vụ tai nạn ở Gia Lai) thì không bị cấm.

Loại xe máy cày trong vụ tai nạn đêm 27.11 còn được nhiều người gọi là công nông đầu dọc. Ở khu vực Tây Nguyên nói riêng và nhiều vùng nông thôn khác trên cả nước, việc quản lý, kiểm tra an toàn kỹ thuật, cấp giấy phép lái xe, xây dựng đường gom cho loại phương tiện này còn rất hạn chế. Đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ  tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng.

img

Xe máy cày càng lưu thông trên đường quốc lộ ở tỉnh Đăk Lăk. Ảnh: Đ.T.K

Số liệu thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh Đăk Lăk cho biết, từ năm 2012 đến tháng 5.2014, toàn tỉnh xảy ra 37 vụ TNGT liên quan đến xe máy kéo, làm chết 38 người và bị thương 11 người. Trong khi đó, mỗi năm có hàng nghìn xe máy cày, đầu kéo bị lập biên bản vi phạm, chủ yếu là không giấy phép lái xe, không chứng nhận đăng ký, đăng kiểm, cải tạo, độ chế xe trái quy định…

Theo ông Đỗ Bình Chính – Phó Giám đốc Sở GTVT Đăk Lăk, hiện toàn tỉnh có hơn 78.000 chiếc xe máy kéo nhỏ, loại phương tiện này không bị cấm lưu hành theo Chỉ thị 46/2004/CT-TTg ngày 9.12.2004 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn giao thông đối với xe máy cày lái bằng càng, máy kéo nhỏ đang còn rất nhiều bất cập. Số người được cấp giấy phép lái xe hạng A4 từ năm 1995 đến nay chỉ có hơn 12.000 người, chiếm tỷ lệ 16,33% so với đầu phương tiện.

Ông Chính cũng bày tỏ, đáng lo ngại là nhiều xưởng cơ khí nhỏ đang tự ý cải tạo xe máy cày, máy kéo nhỏ trái quy định, phổ biến là chuyển đổi hệ thống lái bằng càng sang hệ thống lái bằng vô lăng. Trong khi đó, cơ quan chức năng chỉ mới cấp biển số, còn việc kiểm tra an toàn kỹ thuật, chứng nhận đăng kiểm thì rất hạn chế nên không thể xử phạt lỗi không đăng kiểm đối với loại xe này. Việc quy hoạch hệ thống đường gom, đường dành riêng cho phương tiện này vẫn chưa làm được vì thiếu quỹ đất, thiếu kinh phí. Do vậy ở Đăk Lăk chỉ cấm lưu thông  máy cày, máy kéo nhỏ trong thành phố, chưa cấm tuyệt đối ngoài tỉnh lộ, quốc lộ.

Tại Đăk Nông, Giám đốc Sở GTVT - ông Võ Văn Hùm cũng cho biết, toàn tỉnh có mấy chục nghìn xe máy cày càng, máy kéo nhỏ, và công tác quản lý cũng gặp rất nhiều khó khăn. “Hiện nay tỉnh chỉ cấm xe máy kéo trên tỉnh lộ, quốc lộ vào một số giờ cao điểm trong ngày” – ông Hùm nói.

Theo lãnh đạo các Sở GTVT ở khu vực Tây Nguyên, xe máy kéo, xe máy cày càng là phương tiện cơ giới chủ lực, mang tính đặc thù đối với người làm nông nghiệp ở vùng Tây Nguyên, dự báo trong thời gian tới chưa có loại phương tiện nào thay thế được. Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp đã đưa xe tải nhỏ vào để nhằm thay thế, nhưng hầu hết đều không thành công vì không đáp ứng tính năng sử dụng, không phù hợp với địa hình Tây Nguyên, và giá thành đắt hơn… nên người dân không ưa chuộng. Do vậy ngành GTVT các tỉnh Tây Nguyên kiến nghị nhà nước hỗ trợ tiền cho người học lái xe máy kéo nhỏ, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa; Cục Đăng kiểm Việt Nam cần có hướng dẫn cụ thể việc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho loại phương tiện này.  

Theo ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh văn phòng  Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đặc thù tại các tỉnh Tây Nguyên là xe công nông có nhiều công dụng khác nhau: Là xe máy kéo nhỏ, chở nông cụ, nông sản, chở người, kéo gỗ, bơm nước... nên đây  là loại phương tiện không thể thay thế đối với người dân.