Đồng Tháp được coi là “vựa” của rất nhiều nông sản như các loại trái cây, lúa, tôm, cá… nên chuyện được mùa, mất giá hàng năm đã trở thành câu chuyện quen thuộc cả với người dân và lãnh đạo địa phương này. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi sau 1 năm trở lại đây.
“Lột xác” cây xoài
Đồng Tháp hiện có hơn 9.300ha xoài, tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và TP.Cao Lãnh. Giống chủ lực là xoài Cát Chu và xoài Cát Hòa Lộc, sản lượng bình quân hơn 87.000 tấn/năm. Riêng huyện Cao Lãnh có trên 3.600ha trồng xoài, cung cấp ra thị trường trên 35.000 tấn/năm, trong đó thị trường ngoài nước là hàng chục tấn.
Ông Nguyễn Minh Tiền – Trưởng phòng NNPTNT huyện Cao Lãnh, nơi có diện tích xoài lớn nhất tỉnh Đồng Tháp, phấn khởi cho biết: “Từ khi triển khai đề án TCC nông nghiệp đến nay, bà con trồng xoài thay đổi tư duy rõ rệt, chủ động xử lý cho trái rải vụ quanh năm. Vì vậy, sẽ không xảy ra tình trạng thừa nguồn cung hay thiếu hàng như trước đây”.
Xã viên HTX Xoài Mỹ Xương sản xuất xoài theo hướng an toàn và rải vụ. Ảnh: Huỳnh Xây
Hiện tại, ở các xã Mỹ Xương, Bình Hàng Trung, thị trấn Mỹ Thọ… triển khai thực hiện tốt mô hình canh tác xoài rải vụ đủ điều kiện an toàn. Những nông dân trồng xoài ở đây được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ kỹ thuật, phân bón (300kg/ha) thông qua đề án TCC nông nghiệp của tỉnh.
Dẫn chúng tôi ra vườn xoài phát triển xanh tốt, lão nông Võ Hữu Hiền - xã viên HTX Xoài Mỹ Xương chia sẻ: “Bây giờ, xã viên không còn lo thị trường nữa, không còn cảnh được mùa mất giá vì HTX không những bao tiêu xoài để bán trong nước, mà còn bán ra ngoài nước. Tôi có 300 gốc xoài trồng trên 1,5ha, mỗi năm thu lợi hàng trăm triệu đồng”.
Phó Chủ nhiệm HTX Xoài Mỹ Xương - ông Huỳnh Thanh Bá cho biết: Các xã viên HTX trồng tập trung 2 loại là xoài Cát Hòa Lộc và xoài Cát Chu để xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản. Bà con đã đổi mới cách làm, luôn cải tiến kỹ thuật sản xuất theo chuẩn an toàn. Phần lớn sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất ngoại.
Từ khi triển khai đề án TCC đến nay, ngoài ưu tiên đầu tư phát triển diện tích xoài ở huyện Cao Lãnh, ngành nông nghiệp Đồng Tháp cũng tập trung các nguồn lực để hỗ trợ phát triển mới các HTX; tổ hợp tác theo hướng sản xuất sạch, an toàn, gắn với xây dựng thương hiệu nông sản và bao tiêu đầu ra. Nổi bật là thành lập HTX Xoài Tân Thuận Tây và tổ dịch vụ bao trái xoài (đều ở TP.Cao Lãnh).
Hỗ trợ việc thuê đất lúa
Ông Nguyễn Thành Tài – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Khi triển khai thực hiện TCC nông nghiệp, chúng tôi đã xây dựng 5 ngành hàng chủ lực và kết quả là ngành lúa gạo, hoa kiểng, xoài, cá tra có những chuyển biến tích cực. Riêng về con vịt thì tỉnh chỉ mới bắt đầu triển khai các giải pháp hỗ trợ. Điểm mà Đồng Tháp rất mừng sau hơn 1 năm triển khai đề án là người dân đã hiểu về TCC và chịu làm để đổi mới, để giảm giá thành và có thị trường ổn định”. |
Không riêng gì người trồng xoài, nhà nông trồng lúa ở huyện Tam Nông và huyện Tháp Mười cũng rất phấn khởi vì không còn cảnh được mùa mất giá. Theo người dân, có được kết quả trên là nhờ chủ trương hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn thuê đất trồng lúa của UBND tỉnh Đồng Tháp.
Là một trong 28 hộ dân được hỗ trợ lãi suất vay, lão nông Nguyễn Văn Khanh (ấp B, xã Phú Cường, huyện Tam Nông) cho biết, nhờ sự hỗ trợ của ngành chức năng và kiên trì gom đất, ông đã thuê, mua nhiều diện tích lúa của bà con, đến nay đã lên đến 120ha đất lúa. “Tôi chủ yếu sản xuất lúa Nhật và bán cho các doanh nghiệp theo hợp đồng với giá từ 6.500 – 6.900 đồng/kg, thu lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm” - ông Khanh nói.
Cũng như ông Khanh, ông Nguyễn Văn Trung - xã viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường (ấp Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông) trước đây chỉ có 0,8ha đất ruộng, giờ đã thuê thêm khoảng 3ha. Đối với những diện tích đất thuê, sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi vụ lúa ông thu lời khoảng 7 triệu đồng/ha.
Theo HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường, năm 2015, các xã viên đã thuê khoảng 19ha của các xã viên khác (giá thuê từ 25-27 triệu đồng/ha) để mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài việc hỗ trợ thuê đất, UBND tỉnh còn hỗ trợ người dân và các HTX lãi suất tiền vay đầu tư san phẳng mặt ruộng bằng laser.
“Thời gian qua, chúng tôi thuê đã thuê khoảng 20ha của 9 hộ dân để trồng lúa Jasmine, nâng tổng diện tích cánh đồng lớn của HTX lên đến 1.214ha. Nhờ có diện tích lớn và áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, đã giúp HTX giảm được chi phí sản xuất rất lớn và bán lúa được giá cao, khoảng 5.300 đồng/kg” - ông Nguyễn Văn Trãi - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường nói..