Gần đây, cư dân mạng xôn xao vì trường hợp một bà lão 93 tuổi hàng ngày phải đi bán tấm lót giầy để nuôi con bị bại liệt và rất nhiều người đã tìm đến mua giúp khiến bà kiếm bộn tiền.
Tuy nhiên sự thực câu chuyện lại chỉ là một sự hiểu lầm nếu không muốn nói là trò lừa đảo. Bà lão đó ở Hàng Châu – Trung Quốc. Trước đó, một cư dân mạng đã tải ảnh bà lão đang bán lót giầy lên mạng kèm theo đôi dòng giới thiệu. Đại khái trong đó nói rằng bà lão đã 93 tuổi nhưng có một người con trai bị bại liệt nên hàng ngày vẫn phải đi bán đồ lặt vặt để nuôi con.
Dòng trạng thái được chia sẻ trên mạng khiến nhiều cư dân mạng cảm động.
Câu chuyện đã khiến cư dân mạng trong khu vực rất cảm động và nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến để mua hàng giúp bà lão. Cụ bà này đã vô cùng choáng ngợp vì đột nhiên bán được rất nhiều hàng vào hôm thứ 6 tuần trước.
Các cư dân mạng đã mua ủng hộ các tấm lót giầy của bà lão với giá gấp 5 đến 10 lần giá thị trường. Thậm chí nhiều người không còn hàng để mua đã cho bà lão tiền như một món quà. Chỉ trong nửa giờ, bà lão đã kiếm được khoảng 8000 tệ.
Nhiều người không còn hàng để mua đã cho bà lão tiền như một món quà
Nhưng kỳ lạ thay, bà lão đã cố gắng trả lại tiền những người cho bà và từ chối nói tên của mình hoặc đáp ứng những câu hỏi han của các nhà hảo tâm. Cuối cùng bà chỉ đơn giản là bỏ đi.
Báo Hàng Châu Express đã tiến hành điều tra thì được biết trạng thái chia sẻ trên mạng chỉ là một trò lừa bịp. Bà cụ không hề có người con nào bị liệt. Bà có một con trai và một cô con gái hoàn toàn khỏe mạnh. Bà cũng có lương hưu 3000 tệ một tháng nhưng bà vẫn đi bán rong các tấm lót giày đơn giản chỉ vì bà thích làm như thế.
Bà lão đã cố gắng trả lại tiền những người cho bà và từ chối nói tên của mình
Hiện tại người ta chưa tìm ra được ai là người đầu tiên chia sẻ thông tin và hình ảnh về bà cụ. Cũng không ai dám nói chắc rằng bà lão là người chủ mưu tạo ra dư luận trên mạng để tranh thủ kiếm tiền dựa trên lòng hảo tâm của cư dân mạng hay bà chỉ là người vô cớ được hưởng lợi.
Tuy vậy, cư dân mạng Trung Quốc cũng đã kêu gọi mọi người không nên tin vào tất cả những thứ mà họ đọc được trên mạng. Một cư dân mạng viết: “Mặc dù trạng thái đó là một trò lừa bịp, chúng ta không nên đổ lỗi cho những người tốt bụng đã giúp đỡ cho bà lão. Tuy vậy chúng ta vẫn cần phải suy nghĩ để chứng tỏ lòng tốt của mình một cách hợp lý hơn trong tương lai”.