Dân Việt

Có nước sạch, bệnh tật bị đẩy lùi

Minh Ngọc 02/12/2015 06:55 GMT+7
“Trước đây chưa có nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, chúng tôi phải dùng nước suối, nước mó để ăn uống, tắm rửa. Bây giờ nghĩ lại mới thấy khiếp quá”. Đó là chia sẻ của anh Đinh Văn Cường - dân bản Vường, xã Tân Lang, huyện Phù Yên (Sơn La).

“Bụng ỏng đít beo” vì nước bẩn

Xã Tân Lang có 12 bản với nhiều dân tộc sinh sống: Mường, Dao, Kinh… Nơi đây cách xa trung tâm huyện tới ngót 40km, các bản  lại nằm sâu trong những cánh rừng nên điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn như: Điện, đường, trường trạm… cũng bị hạn chế; trong đó nước sinh hoạt là một điển hình. Ông Đinh Văn Quân - dân bản Vường bảo: “Cách đây chưa lâu, hầu hết dân trong xã chúng tôi đều phải dùng nước suối, nước mó dưới chân núi để làm nước ăn, tắm rửa và các hoạt động khác phục vụ cuộc sống gia đình. Nước bẩn, lại chưa chú trọng ăn chín uống sôi nên hầu hết trẻ con đều bụng ỏng đít beo vì giun sán. Người lớn cũng chả khá hơn, nhất là chị em phụ nữ thì khổ lắm. Ngay cho đến bây giờ, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng do thiếu cân, còi cọc ở xã này vẫn còn ở mức cao, cũng một phần do nước sinh hoạt đấy”.

img

100% dân bản Vường (xã Tân Lang, huyện Phù Yên, Sơn La) có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh được dẫn về tận hộ gia đình.  Ảnh:  Minh Ngọc      

Ông Lường Văn Lịch - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Phù Yên thừa nhận: Đúng là người dân vùng Tân Lang trước đây chỉ có nguồn nước tự nhiên làm nước ăn uống, sinh hoạt. Những ngày mưa, bão, những nguồn nước ấy đục ngầu. Chúng tôi đi công tác cơ sở, nhiều khi nhìn thấy nước ăn bà con lấy về mà thấy sợ. Nước bẩn nên bệnh tật cũng nhiều, nhất là với trẻ em và phụ nữ. Đến tận đầu năm 2012, số trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở Tân Lang vẫn chiếm gần 30%, trong đó có nguyên nhân bởi nguồn nước sinh hoạt chưa đảm bảo…

Nhưng mấy năm nay,  theo ông Lịch, tình trạng đó đã được cải thiện nhiều bởi có sự chung tay góp sức của nhiều chương trình kinh tế-xã hội, trong đó nước sạch là một mục tiêu được quan tâm.

“Nước sạch cũng quý như cơm áo”

"Nguồn nước đảm bảo vệ sinh nên góp phần rất tốt cho sức khỏe người dân. Mấy năm nay, tình trạng bệnh tật ở bản này và những bản lân cận giảm đi rất nhiều. Vì thế, người dân cũng rất quý và chung tay bảo vệ nguồn nước sạch”.

Anh Bàn Văn Đôn

Bà Đặng Thị Nái, hơn 90 tuổi, người dân tộc Dao ở bản Suối Lèo, xã Tân Lang, nói với chúng tôi như vậy. Suối Lèo nằm cách biệt với trung tâm xã Tân Lang, nhận thức của dân bản còn hạn chế, tỷ lệ đói nghèo rất cao nên chỉ cách đây ít năm thì chuyện dùng nước bẩn với người Suối Lèo được xem là chuyện... bình thường. “Nước ăn phải lấy ở mãi dưới suối xa, lấy về đựng trong ống bương, ống tre; nước trong hay đục thì không ai biết, cứ ngửa cổ uống thôi” - bà Nái nói.

Hiếm nước thì phụ nữ cũng không có nước dùng cho sinh hoạt, vì thế ghẻ ngứa và bệnh tật nhiều. Không chỉ có trẻ con da xanh, bụng ỏng mà nhiều người lớn cũng vàng vọt, xanh xao. “Từ ngày Nhà nước cho cái nguồn nước sạch, sức khỏe của dân bản khác đi nhiều. Cán bộ lại lại tuyên truyền để dân chúng tôi hiểu rõ, biết quý cái nước sạch như cơm, như áo của mình. Nước cũng được ăn vào người như gạo, như ngô thôi nên phải được lọc, được đun sôi mới đảm bảo sức khỏe” - bà Nái thành thực.

Anh Bàn Văn Đôn - cán bộ y tế bản Suối Lèo  cho hay, mấy năm nay Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hệ thống nước sinh hoạt trong xã, lấy nước từ những nguồn đảm bảo trên các núi cao dẫn về tận bản cho bà con, nên việc lấy nước ăn, nước sinh hoạt hàng ngày đỡ tốn nhiều công sức.