Mức tăng lương cao nhất: Gần 70%!
Mức lương tối thiểu giữa 2 khối doanh nghiệp trong nước và ngoài nước sẽ bằng nhau. |
Theo lộ trình cải cách tiền lương 2008-2012, tới năm 2012 sẽ thống nhất mức lương tối thiểu vùng giữa 2 khối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). “Thực hiện lộ trình này, Bộ LĐTBXH trình Chính phủ dự thảo đề án tăng lương năm 2012 theo 4 vùng, không phân biệt loại hình doanh nghiệp. Như vậy, mức lương của các doanh nghiệp trong nước đợt này sẽ phải tăng rất mạnh. Đó cũng là bước “chuyển mình” phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế”- Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở dự thảo này là mức tăng không đồng đều đối với các vùng, nhất là đối với doanh nghiệp vùng 3, 4. Cụ thể: Theo dự thảo đề án này, mức lương tối thiểu với lao động vùng 1 (nội thành các thành phố trực thuộc T.Ư) sẽ lên mức 1,9 triệu đồng/tháng, tăng 350.000 đồng so với mức lương hiện hành của doanh nghiệp FDI và tăng 550.000 đồng so với mức lương hiện hành của khối doanh nghiệp trong nước. Như vậy, chi phí sản xuất tính theo lương của khối doanh nghiệp trong nước sẽ “tăng tốc” hơn 30%, khối FDI chỉ tăng khoảng gần 20%. Mức tăng này gấp đôi mức tăng năm 2010.
Mức lương tối thiểu cho lao động vùng 4 dự kiến sẽ là 1,4 triệu đồng/tháng, tăng 300.000 đồng đối với mức lương hiện hành của khối doanh nghiệp FDI (1,1 triệu đồng), tăng 570.000 đồng so với mức lương hiện hành của doanh nghiệp trong nước (830.000 đồng). Tính theo tỷ lệ thì doanh nghiệp trong nước ở vùng 4 sẽ có mức tăng lương cao nhất: Tới gần 70%!
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, các doanh nghiệp vùng 1,2 không lo ngại trước thông tin tăng lương, bởi thực tế lương họ trả đã sát giá thị trường (lương và phụ cấp trung bình khoảng 4-5 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, với các doanh nghiệp vùng 3,4 (vùng nông thôn, vùng sâu, xa…) sẽ chịu áp lực rất lớn bởi chi phí tăng cao.
“Tăng lương thì người lao động mừng vì có thêm thu nhập nhưng sẽ có rất nhiều doanh nghiệp lao đao trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Và nếu vùng 4 tăng lương mạnh thì rất khó thu hút các doanh nghiệp về đầu tư cho vùng sâu vùng xa. Vì vậy, ngay trong tuần tới, lãnh đạo Bộ sẽ làm việc, lấy ý kiến doanh nghiệp về các mức tăng lương và thời điểm thực hiện”- ông Huân nói.
Lo cho DN nhỏ nông thôn
Ông Phạm Minh Huân
Điều đáng ngạc nhiên là nhiều doanh nghiệp tỏ ra bình thản trước thông tin tăng lương. Bình luận về mức tăng mới, ông Đàm Thành Vinh - Giám đốc Công ty May Minh Thành, (đường Nguyễn Văn Linh, quận Lê Chân, Hải Phòng) bày tỏ- mức lương hiện tại doanh nghiệp đang trả cho lao động là 1,9 triệu đồng/tháng và có thêm chút phụ cấp theo khoán sản phẩm.
“Mức lương mới cũng chỉ bằng lương cũ công ty đang trả, nếu kinh doanh không phát triển thì lương công nhân cũng cứ áp đúng lương của Nhà nước quy định. Chỉ có một khoản thực tăng chúng tôi phải trả là BHYT, BHXH”- ông Vinh nói.
Một số doanh nghiệp ở vùng sâu, xa (vùng 3,4), nhất là các doanh nghiệp làng nghề thì cho hay, mức tăng đó đúng là ảnh hưởng rất lớn tới chi phí đầu vào của họ nhưng quan trọng hơn là lương tăng có thể ảnh hưởng tới chính quyền lợi của lao động.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ Doanh nghiệp Minh Thanh chuyên sản xuất mì, bún khô xuất khẩu tại Tam Nông (Phú Thọ) phân tích: “Lương công nhân tôi trả hiện là 1,5 triệu đồng/tháng, đã cao hơn mức lương tối thiểu. Nhưng ở nông thôn, nhiều cơ sở khác không trả được như vậy. Nếu tăng lương, tăng BHYT, BHXH thì họ sẽ đối phó bằng cách không tuyển lao động nữa mà sử dụng lao động công nhật, lúc đó người lao động còn thiệt thòi hơn”.
Ông Thanh cũng cho hay, doanh nghiệp ông vừa mới có đơn xin giảm thuế theo Quyết định 21 của Bộ Tài chính: “Tới thuế chúng tôi còn phải xin ưu đãi giảm để vượt qua đợt khó khăn này thì tăng lương cũng là việc mà chúng tôi phải suy nghĩ, tính toán. Nếu quỹ lương vượt quá khả năng cho phép thì buộc phải sa thải lao động”.
Lê Huyền - Trần Phượng