170 nhân khẩu ở thung lũng Pa Ngay đều là đồng bào Vân Kiều bao đời nay bám vào những cánh rừng xanh tốt để mưu sinh. "Không có đường giao thông để giao thương với bên ngoài, nên bà con vẫn duy trì lối tự cấp tự túc..." - Hồ Nghiên - cán bộ Đoàn xã Tà Long, bỏ lửng câu nói.
Ngày mới của Pa Ngay bắt đầu từ những lớp học này . |
Buôn xa và "ma" hủ tục...
Nghiên bảo, địa thế biệt lập giữa đại ngàn chính là rào cản lớn nhất khiến cho những chính sách hỗ trợ của nhà nước về tới Pa Ngay rất chậm. Khắp buôn toàn những mái nhà lụp xụp, xác xơ, có những gia đình quanh năm áo rách, bếp lạnh và quay quắt đói.
"Diện tích có thể canh tác lúa, ngô của cả buôn chỉ khoảng mấy sào nhưng ở vị trí bị núi chặn mặt trời, lại thêm quan niệm hạt lúa là ngọc linh thiêng của Giàng cho bao nhiêu được bấy nhiêu, nên chẳng ai quan tâm chăm sóc. Mình làm cán bộ khuyến nông xã mà không giúp bà con trồng được cây lúa, rau màu cũng buồn lắm! Nhưng để thay đổi được nếp sống, nếp nghĩ đã ăn sâu vào tiềm thức không đơn giản…" - anh Hồ Văn Mặt, cán bộ khuyến nông- khuyến lâm xã Tà Long phân trần.
Trong mấy chục nóc nhà ở Pa Ngay chỉ có vài hộ tự kiếm được nguồn điện thắp sáng nhờ tận dụng các thủy điện nhỏ ven suối, còn lại đa phần bà con khi màn đêm buông xuống là cửa đóng then cài cho chặt kẻo "con ma nó lạc vào phá".
Già làng Pả Hương bảo rằng, "ma" gì thì chưa biết chứ con "ma" hủ tục mới đáng sợ. Lương thực không đủ sống, phải chạy ăn từng bữa vậy mà không ít bà con lại nuôi trâu, lợn, gà chỉ để phục vụ lễ cúng Giàng (trời). Hễ ai ốm người ta gọi thầy mo đến cúng ma. Bệnh tình khỏi chưa thấy đâu, chỉ biết rằng khu rừng ma (nơi chôn cất người chết) nằm ở cuối buôn cứ ngày một rộng ra.
“Vác” chữ lên đại ngàn
Gần 60 năm tuổi Đảng, từng là bộ đội Cụ Hồ hồi kháng chiến chống Mỹ, từng là Chủ tịch UBND xã Tà Long, điều già Pả Hương trăn trở nhất là làm sao dân Pa Ngay bớt nghèo, bớt đói.
Trước năm 2000, trừ già Pả Hương, trong buôn không ai biết chữ. Mỗi lần chứng nhận gì thấy bà con phải điểm chỉ, già đau lòng lắm. Bao đêm nghĩ cách để con chữ đến được vùng đất này, già lặn lội ra trung tâm xã đề xuất "xin chữ" cho dân. Biết tâm nguyện của già, nhiều thầy giáo trẻ đã xung phong "vác" chữ lên đại ngàn.
... Giờ đa số trẻ em trong buôn đã biết đọc, biết viết. Kết quả đó như một kỳ tích của 3 thầy, cô giáo cắm buôn. "Đời ta đã khổ rồi, nhưng đời con cháu nhất định phải sung sướng. Muốn như vậy thì phải học. Ta và các thầy cô giáo đã nói với cả buôn rồi, giờ nhà nào cũng chăm chỉ làm ăn, lo cho con cái học hành..." - già Pả Hương cười khà khà chỉ vào những đứa trẻ đang say sưa học trong lớp tạm.
Với cô giáo cắm buôn Trần Thị Nhởn, tình cảm của già Hương và những bà con Vân Kiều là động lực giữ cô và đồng nghiệp gieo chữ ở "chốn thâm sơn" này. Hỏi rằng khi nào có ý định về xuôi, cô Nhởn nói không do dự: "Em chưa về được đâu, học sinh ở đây còn thua kém các em dưới xuôi nhiều lắm. Điều em mong nhất là sự học của trẻ Pa Ngay được quan tâm hơn nữa, điểm trường này được kiên cố và con đường về buôn sớm được mở...".
Rời Pa Ngay, tiếng đọc bài của lũ trẻ vang lên từ lớp học cuối buôn bám theo chúng tôi suốt chặng đường về...
Quảng Đức - Trương Minh