Dân Việt

Danh phận nào cho bảo tàng tư nhân?

Phạm Thu Hương 02/12/2015 14:50 GMT+7
Để bảo tàng tư nhân hoạt động hiệu quả chính là các quỹ văn hóa của Nhà nước và của các tổ chức phi Chính phủ được xây dựng từ Trung ương đến địa phương…

Hiến kế để các bảo tàng ngoài công lập hoạt động hiệu quả, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, ngoài sự quan tâm chưa đúng mức của Nhà nước tới hệ thống các bảo tàng ngoài công lập, thì “bà đỡ” để bảo tàng tư nhân hoạt động hiệu quả chính là các quỹ văn hóa của Nhà nước và của các tổ chức phi Chính phủ được xây dựng từ Trung ương đến địa phương…

Danh phận nào cho bảo tàng tư nhân?

Bảo tàng tư nhân được thành lập đồng nghĩa với việc rút khỏi “bầu sữa mẹ”. Nhưng không vì thế bảo tàng ngoài công lập bị bỏ mặc, mà cần phải có sự quan tâm của các cấp các ngành. Họa sỹ Nguyễn Thị Hiền, người đứng ra làm nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân cho biết: “Hiện nay, sự nhìn nhận của Nhà nước về bảo tàng tư nhân chưa đầy đủ.

Tôi thành lập bảo tàng phải tự tay lo tất cả, không đòi hỏi Nhà nước phải cấp kinh phí. Chỉ mong muốn Hội Nhà văn Việt Nam đứng ra đỡ đầu, cho bảo tàng của gia đình nhà văn Kim Lân vào hệ thống những điểm tham quan của hội mỗi khi đón tiếp các đoàn khách quốc tế. Nhưng cho đến nay, Hội Nhà văn Việt Nam vẫn im lặng trước nguyện vọng của gia đình”.

img

Nhà lưu niệm cố nhà văn Kim Lân

Cũng ở trong hoàn cảnh này, Bảo tàng Nguyễn Tư Nghiêm không khá hơn là bao. Và đây cũng là thực trạng chung của nhiều bảo tàng khác. Hay nói như họa sỹ Nguyễn Thị Hiền, nếu có được một danh phận rõ ràng thì dù có tốn bao công sức và tiền bạc, những người chủ các bảo tàng tư nhân cũng luôn sẵn lòng. 

Bà Thu Giang, Giám đốc Bảo tàng danh họa Nguyễn Tư Nghiêm khẳng định thêm: “Tôi đang xây dựng Bảo tàng Nguyễn Tư Nghiêm theo lối nhỏ giọt, cố gắng bỏ tiền ra mua thêm diện tích, nới rộng để bảo tàng trở nên to và đẹp hơn. Trong quá trình xây dựng, tôi cũng xác định mình không thể trông chờ vào bất cứ nguồn hỗ trợ nào. Tôi cứ lầm lũi làm và cũng mong thời gian tới, cái nhìn của các cấp lãnh đạo sẽ tích cực hơn về bảo tàng tư nhân. Việc bán vé để có nguồn thu chắc không thể thực hiện được một sớm một chiều”.

Việc đi tìm danh phận cho bảo tàng tư nhân có thể coi như nút thắt giúp cải thiện tình trạng hoạt động ảm đạm hiện nay. Dù không được trợ cấp về kinh phí nhưng nếu như, các bảo tàng ngoài công lập nhận được sự đỡ đầu từ phía Nhà nước, từ phía một tổ chức xã hội nghề nghiệp sẽ giúp ích nhiều hơn cho người đứng đầu bảo tàng tư nhân. 

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Bảo tàng “Ký ức chiến tranh” chia sẻ, “Với mong muốn tri ân các đồng đội và giúp thế hệ ngày nay hiểu hơn về thời lớp cha anh đã sống và chiến đấu, tôi đã sửa sang lại căn nhà của mình, thu dọn đồ đạc để bày các kỷ vật chiến tranh. Bảo tàng của tôi thì nhỏ bé, lại nằm sâu trong ngõ, tên tuổi chưa có nên rất khó để cạnh tranh với các bảo tàng Nhà nước. Lượng khách đến đây hôm có hôm không. Nhưng nếu như bảo tàng “Ký ức chiến tranh” nhận được sự quan tâm thì chắc tình hình sẽ được cải thiện”.

“Bà đỡ” là các quỹ văn hóa

Theo PGS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, để hệ thống các bảo tàng nước ta, cả bảo tàng công lập lẫn bảo tàng tư nhân hoạt động được tốt nên thành lập các quỹ văn hóa của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và quỹ của các tổ chức phi Chính phủ. Thay vì các bảo tàng phải đi đến từng doanh nghiệp xin tài trợ, PGS Nguyễn Văn Huy cho rằng, cách xã hội hóa tốt nhất chính là việc phát triển hệ thống quỹ văn hóa; thành lập các quỹ văn hóa Nhà nước từ cấp Trung ương, tỉnh, thành phố, thậm chí cấp huyện và quỹ văn hóa của các tổ chức phi Chính phủ.

img

Việt phủ Thành Chương bán vé vào cửa lên tới 150 nghìn đồng

Các doanh nghiệp, đơn vị sẽ rót tiền tài trợ cho các hoạt động văn hóa đích thực và các bảo tàng công lập cũng như ngoài công lập thông qua các hoạt động của quỹ văn hóa. Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đóng góp cho các hoạt động văn hóa thông qua các quỹ văn hóa. Hàng năm, các bảo tàng sẽ đề xuất dự án, cạnh tranh với dự án của các bảo tàng khác để nhận được tiền tài trợ. Cuộc cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các bảo tàng vừa là động lực thúc đẩy các bảo tàng tư nhân và bảo tàng công lập tích cực hoạt động, vừa tạo ra nguồn thu. 

Bên cạnh đó, giám đốc các bảo tàng tư nhân cũng cần năng động hơn trong việc liên kết với các công ty du lịch lữ hành. Sự kết hợp này không chỉ đôi bên cùng có lợi mà còn tạo ra các sản phẩm văn hóa đa dạng, góp phần bồi đắp thêm hình ảnh đẹp về đất nước Việt Nam. Để có điều này, các bảo tàng cần thay đổi ngay trong cách trưng bày và cung cấp thông tin. Sự sinh động hấp dẫn là yếu tố cơ bản để thu hút khách.

Chả thế, dù ở tận nơi hẻo lánh nhưng Việt phủ Thành Chương vẫn là ví dụ cho sức hút của một bảo tàng tư nhân. Còn các yếu tố khác như đơn vị “đỡ đầu”, liên kết du lịch là chất xúc tác giúp bảo tàng phát triển bền vững. PGS Nguyễn Văn Huy khẳng định: “Việc thành lập bảo tàng tư nhân không khó, nhưng duy trì và phát triển hoạt động mới thực sự khó. Nhiều bảo tàng đã teo đi nhanh chóng sau khi thành lập chỉ vì sự thiếu chuyên nghiệp”.