Một nhà khoa học (xin giấu tên) từng là thành viên của Hội đồng xét tặng danh hiệu NNƯT, NNND cấp Bộ, cấp Nhà nước vừa qua cho biết, những rắc rối trong thủ tục xét tặng danh hiệu NNƯT, NNND khiến cho việc xét tặng này phải kéo dài tới 12 năm là do những người biên soạn Nghị định 62 chưa nắm rõ thực tế nên đã đề ra những điều lệ chưa phù hợp.
Lễ trao bằng vinh danh Nghệ nhân Ưu tú cho các nghệ nhân tại Hà Nội hôm 23.11 vừa qua.
Tuy nhiên, nhà khoa học này nhận thấy lãnh đạo Bộ VH,TT&DL là những người rất tâm huyết với công tác bảo tồn di sản văn hoá, nhất là với các nghệ nhân. Vì thế, trong dịp họp Hội đồng cấp Nhà nước để bỏ phiếu cho các 617 trường hợp được xét duyệt phong tặng danh hiệu NNƯT vừa qua một số thành viên trong hội đồng đã bày tỏ những bất cập và bất công trong việc xét tặng.
“Tôi có nói rằng, chúng ta không nên có sự phân biệt quá rạch ròi giữa danh hiệu NNƯT, NNND. Chẳng ai lại phân biệt giữa nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc và Quách Thị Hồ ai hát hay hơn ai để mà trao danh hiệu NNƯT với NNND. Tài năng là báu vật, không nên cân đo đong đếm theo kiểu máy móc như thế.
Tôi cũng nhấn mạnh chúng ta không cần phải cứng nhắc trong việc phải đạt danh hiệu NNƯT bao nhiêu năm rồi mới được “nâng cấp” lên NNND. Đa phần các cụ bây giờ đã tuổi già sức yếu như “ngọn đèn trước gió” cả rồi, sao cứ bắt các cụ chờ đợi để được phong tặng một danh hiệu. Lỗi của chúng ta là đã làm việc này quá muộn nên nhiều cụ ra đi mà vẫn chưa được một lần vinh danh.
Bây giờ chúng ta phải linh hoạt, phải có những đặc cách cho các cụ cao tuổi. Có những nghệ nhân cần được truy tặng. Việc phong tặng hay vinh danh không phải cho nghệ nhân mà để nhân dân hiểu được công lao của các cụ trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hoá phi vật thể.
Hôm đó, có cả Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên và Thứ trưởng Lê Khánh Hải. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh là một người rất cầu tiến. Khi tôi bày tỏ suy nghĩ cá nhân về những vấn đề bất hợp lý trong chuyện này thì đích thân Bộ trưởng đã hứa sẽ cho kiểm tra và nghiên cứu kỹ để hoàn thiện lại thủ tục trước khi trình Chính phủ thông qua”, nhà khoa học chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng Bộ VH,TT&DL cho biết, hiện tại Bộ VH,TT&DL vẫn chưa có chủ trương gì trong việc sửa đổi Nghị định 62 về việc xét và phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân. Theo ông Cẩn, Nghị định 62 đã được Chính phủ thông qua và phải triển khai một thời gian rồi mới có thể tổng kết, đánh giá, nhìn nhận… và nếu có gì chưa phù hợp thì sẽ sửa đổi để phù hợp hơn. Ở thời điểm hiện tại, Nghị định 62 mới chỉ triển khai được một lần và chưa có tổng kết nên không thể có thay đổi, điều chỉnh được.
Như vậy, xem ra việc xét và phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân vẫn còn “trường kỳ kháng chiến”. Và nhiều nghệ nhân vẫn lại phải tiếp tục sống trong cảnh mỏi mòn chờ đợi.