Dân Việt

Lo ngại ngân hàng tìm cách lách luật

07/07/2011 06:27 GMT+7
(Dân Việt) - Đã quá hạn quy định 1 tuần nhưng đến 6.7 vẫn còn 8 ngân hàng thương mại (NHTM) chưa đáp ứng quy định siết tín dụng phi sản xuất về 22% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tuy nhiên, với các NHTM việc hạ tín dụng phi sản xuất xuống vào thời điểm này rất khó khăn vì những khoản tín dụng phi sản xuất phần lớn là cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản. Trong đó, các khoản cho vay bất động sản chiếm 80% tổng dư nợ cho vay phi sản xuất và các hợp đồng tín dụng cho vay đầu tư bất động sản đều là trung, dài hạn.

Trong bối cảnh thị trường nhà đất đang trong tình trạng đóng băng, các chủ dự án và nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ gần như không bán được hàng nên không có tiền trả nợ. Thậm chí những ngày gần đây báo chí đang đưa tin tình trạng khách hàng bỏ cả tiền đặt cọc mua nhà dự án đang xuất hiện (như ở dự án khu vực Mỹ Đình, hay Văn Khê, Văn Phú, Vân Canh… tại Hà Nội) càng khiến cho việc thanh toán các khoản vay của doanh nghiệp bất động sản cho ngân hàng trở nên khó khăn.

img
Nhiều ngân hàng cho vay đầu tư bất động sản, chứng khoán rất lớn. (Ảnh minh họa).

Ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng: Doanh nghiệp không xây dựng xong, không bán được sản phẩm ra thị trường thì làm sao có tiền trả nợ ngân hàng được.

Một lãnh đạo ngân hàng M nhận xét: Ngân hàng nào thực hiện được tỷ lệ như quy định thì đã thực hiện rồi. Đến hôm nay mà ngân hàng nào chưa thực hiện được thì chắc chắn là “không thể”. Như vậy thì một là tìm cách lách luật, hai là “chịu” mọi “hình phạt” của NHNN.

Bên cạnh đó, ý kiến của đại diện nhiều NHTM lý giải: Do lãi suất đầu vào cao nên họ buộc phải chấp nhận cho vay lĩnh vực phi sản xuất vì lãi suất cao hơn, để bù đắp chi phí đầu vào đồng thời để đảm bảo lợi nhuận cho ngân hàng khi hạn mức tín dụng bị hạn chế. Đây là nguyên nhân khiến các NHTM vẫn cho vay phi sản xuất nhiều dù NHNN đã cảnh báo sẽ xử phạt nặng.

Bà Dương Thu Hương - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam lo ngại: Việc kéo tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống 22% vào thời điểm này và 16% vào cuối năm nay rất khó khăn. NHNN cũng cần có sự đánh giá hợp lý để tránh tình trạng các NHTM không thực hiện được quy định buộc phải tìm cách lách luật.

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm cũng lo ngại khả năng các NHTM sẽ “lách luật” bằng cách chuyển mục đích của hồ sơ vay vốn. Điều này sẽ khiến cho về bản chất nguồn vốn sẽ vẫn không thể chảy từ lĩnh vực phi sản xuất sang lĩnh vực sản xuất như mong muốn của NHNN.

Rõ ràng việc đưa tín dụng phi sản xuất về mức hợp lý là đúng đắn, tuy nhiên việc NHNN quy định và triển khai ra sao lại không đơn giản bằng một quy định hành chính. Phải làm sao để tránh tình trạng “đánh bùn sang ao” và để cho tín dụng vào đúng lĩnh vực sản xuất.