Những người “giữ lửa”
Nói về trò Kiều ở đất Nghi Xuân (loại hình nghệ thuật đặc sắc được chuyển tác từ Truyện Kiều) không ai không biết ông Nguyễn Mậu - Tộc trưởng dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền và cũng là chủ nhiệm câu lạc bộ trò (CLB) Kiều của xã Tiên Điền. Trò chuyện về trò Kiều, ánh mắt ông Nguyễn Mậu sáng hơn bao giờ hết, ông say sưa kể về cái duyên đến với trò Kiều, về niềm đam mê Kiều của người dân Tiên Điền. Là giáo viên dạy toán về hưu nhưng ông Mậu rất đam mê viết lách, đặc biệt là sưu tầm, nghiên cứu các giá trị về Truyện Kiều.
Ông Mậu kể: “Khi còn nhỏ tôi đã được nghe Kiều qua lời ru ầu ơ của bà, của mẹ, lớn lên lại được hòa mình trong trò Kiều của xã. Thời đó, nghe tiếng trống nổi lên, bất phân ngày đêm, dù trời nắng hay mưa, trò Kiều tập hay diễn, dân làng đều tụ tập đến xem. Họ chờ đón từng vở diễn với một niềm háo hức. Dù đội trò Kiều của làng biểu diễn trong điều kiện thiếu thốn nhưng đêm nào khán giả cũng chật kín cả sân làng. Trò Kiều giúp họ quên đi những vất vả của công việc đồng áng, quên đi lo toan mệt nhọc của bộn bề cuộc sống.
Với người dân Tiên Điền, thưởng thức trò Kiều là niềm đam mê. Tuy nhiên, sau này ảnh hưởng của các thể loại âm nhạc hiện đại và kinh tế thị trường khiến trò Kiều ngày càng bị rời rạc và mất dần, để cứu lại môn nghệ thuật độc đáo này ông Mậu đã bỏ tiền túi dày công đi sưu tầm khôi phục lại lối diễn trò Kiều ngay trên quê Nguyễn Du. Năm 2001, CLB Trò Kiều xã Tiên Điền được thành lập với 16 thành viên do ông Mậu làm Trưởng ban.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du luyện tập một trích đoạn theo lối biểu diễn trò Kiều. Ảnh: H.A
Còn đối với ông Nguyễn Huýnh (68 tuổi) dù làm nghề chài lưới ở vùng cửa biển xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân nhưng ông đã có gần 50 năm say mê gắn bó với trò Kiều. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 vừa là nhà ở của vợ chồng ông Huýnh vừa là "sân khấu" của CLB Trò Kiều xã Xuân Liên, ông Huýnh cho hay: Nếu không có đam mê thì rất khó theo được môn nghệ thuật này. Hiện nay CLB Trò Kiều Xuân Liên có 18 thành viên, chủ yếu là các cụ lớn tuổi, hoạt động trên tinh thần tự nguyện.
“Tôi vừa làm chủ nhiệm CLB vừa đảm nhận vai Kim Trọng, vừa trực tiếp làm tổng đạo diễn, thiết kế mỹ thuật, hóa trang, làm đạo cụ, sáng tác kịch bản, dàn dựng câu chuyện, chọn diễn viên luôn… Mỗi lần có dịp đi biểu diễn ở huyện, tỉnh thì anh em trong CLB hầu hết phải tự túc” - ông Huýnh nói.
Đừng để mai một
Trong dịp này không chỉ ở Nghi Xuân quê hương Nguyễn Du mà khắp các trường học, các trung tâm văn hóa ở Hà Tĩnh đang ráo riết tập luyện các tiết mục văn nghệ chuyển thể từ truyện Kiều như trò Kiều, đố Kiều để tham gia hội diễn hướng về kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Ông Nguyễn Văn Hùng-Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân cho biết: “Chưa bao giờ nghệ thuật biểu diễn trò Kiều được các em học sinh trong trường hồ hởi đón nhận như hiện nay. Và điều khiến tôi xúc động là Truyện Kiều đã thật sự quyện thấm vào tâm hồn các em bằng những hình thức diễn xướng sinh động trên sân khấu. Thông qua đó, các em sẽ cảm nhận đầy đủ hơn về chiều sâu của tác phẩm văn học trong nhà trường”.
Ông Huýnh cho biết thêm, hiện nay nhiều trường học trên địa bàn huyện Nghi Xuân đã đưa các tiết mục văn nghệ như đố Kiều, trò Kiều tập luyện và hội diễn. Tuy nhiên ông Huýnh cũng trăn trở: "Muốn gắn bó với trò Kiều thì phải có niềm say mê và tâm huyết thực sự, chứ chạy theo sự kiện rồi bỏ bê thì cũng “đứt gánh” giữa chừng. Đặc biệt nếu không có sự quan tâm đầu tư của các cơ quan chuyên môn để thu hút, bảo tồn, phát triển cho các thế hệ trẻ kế cận thì trò Kiều cũng dễ mai một. Lúc đó những giá trị văn hóa dân gian được chuyển thể từ Truyện Kiều cũng khó bảo tồn”.
Ngày 2.12, Tổ chức Liên minh Kỷ lục Thế giới đã chính thức gửi văn bản xác nhận kỷ lục thế giới mới dành cho tác phẩm Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du: Truyện Kiều chính thức trở thành “Tác phẩm văn học tạo nên nhiều kỷ lục quốc gia nhất”. |