Ngoài tầm kiểm soát
Phần lớn trầm, kỳ sau khi khai thác được đều bị bán sang nước ngoài. Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam, ông Nguyễn Thanh Quang cho biết: "Trầm hương, kỳ nam là mặt hàng quốc cấm, không được khai thác, mua bán dưới bất cứ hình thức nào.
Tuy vậy, trong vòng 20 năm nay, chưa thấy xảy ra vụ việc bắt, tịch thu trầm, kỳ nào cả, mặc dù tin đồn về việc "trúng đậm" trầm hương, kỳ nam vẫn thường xảy ra hàng năm ở một số huyện miền núi của Quảng Nam. Quy định cấm vẫn hiệu lực, song cũng chẳng có văn bản, hướng dẫn mới nào cập nhật về việc tăng cường quản lý, bảo vệ loại tài nguyên đang có nguy cơ cạn kiệt này".
Sản phẩm trầm hương nhân tạo từ cây dó vườn. |
Về việc có hàng ngàn thanh niên trai tráng các huyện miền núi Đại Lộc, Nông Sơn, Hiệp Đức... bỏ ruộng vườn, ùn ùn kéo nhau lên núi để tìm trầm mỗi năm thì gần như ngoài tầm kiểm soát của chính quyền.
Trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này, một quan chức của UBND huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết, thanh niên lên núi tìm trầm, kỳ theo từng nhóm nhỏ, giống như đi phụ hồ. Việc rời bỏ nông thôn, đi làm ăn xa vào vụ nông nhàn là hết sức bình thường ở các vùng quê.
Chính quyền cũng không có quy định nào cấm họ rời quê để hành nghề khác ngoài làm nông. Trong khi đó, rừng mênh mông, kiểm lâm giới hạn, nên việc hàng ngàn người tứ tán khắp nơi trên rừng thì không ai quản lý được.
Trầm hương, kỳ nam được khẳng định là nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia, song nó là loại hình sản phẩm đặc thù, không giống với các loại khoáng sản khác như vàng chẳng hạn.
Trầm, kỳ vừa nằm trên thân cây dó, vừa ở trong lòng đất, nhưng nó không theo vỉa theo lò, không có bất kỳ phương tiện thiết bị nào để định vị, thăm dò được. Việc khoanh vùng, bảo vệ càng không thể bàn đến. Khai thác, tìm kiếm trầm, kỳ từ xưa nay vẫn hoàn toàn là thủ công và phụ thuộc vào kinh nghiệm của thợ rừng.
Theo địu trầm Trương Văn Hoàng ở huyện Quế Sơn (Quảng Nam), các cây dó tự nhiên, có kích thước bằng cổ tay người trở lên ở những cánh rừng của VN hiện nay gần như không còn. Bây giờ, phần lớn dân địu trở lại những cánh rừng cũ mà họ từng qua trước đây để đào bới những cội dó đã đốn hạ từ trước. Họ đi theo trí nhớ, kinh nghiệm và nhiều khi xăm đào vụn nát cả khoảnh rừng nghi có cội dó.
Bởi vậy, không thể có kết luận nào về việc có còn trầm, kỳ trên các cánh rừng của VN hay không, trữ lượng bao nhiêu, bảo vệ nó bằng cách nào...
Nan giải tái tạo
Cây dó chưa được xem là loại thực vật quý hiếm, cần được bảo vệ. Nhưng trầm, kỳ chỉ hình thành và có được sản phẩm từ trên cây dó. Trầm tự nhiên hình thành từ những vết thương trên cây dó (gãy cành, nhánh do va chạm, gió bão, mảnh bom đạn, do côn trùng đục khoét...). Sự phát triển của sản phẩm này giống như một loại nấm và được phát tán theo cơ chế "quá giang" qua một số loại côn trùng. Bởi vậy nên có nhiều rừng dó đầy thương tích nhưng lại không hề có trầm.
Tuỳ mật độ tinh dầu trầm có trên thân dó như thế nào mà người ta phân loại trầm. Và trầm trở thành kỳ nam chỉ khi mật độ tinh dầu trầm đậm đặc, không còn tạp chất là thân cây dó trong đó. Kỳ nam chỉ được tìm thấy ở các cội dó đã chết, rục. Tinh chất này có thể làm chết cả vạt rừng gần nơi nó tồn tại. Đó là đặc điểm nhận biết có kỳ nam phổ biến của dân tìm trầm. Việc hình thành trầm, kỳ phải trải qua thời gian dài và cộng hưởng nhiều yếu tố khách quan của tự nhiên. Vì thế, khi bị khai thác, nguồn tài nguyên này gần như không thể tái tạo được.
Trong vài chục năm gần đây, ở các huyện miền núi của các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên và Bình Định rộ lên phong trào trồng dó, tạo trầm. Khi cây dó đủ lớn, người ta tạo các vết thương trên thân cây, bơm hoá chất... để tạo trầm. Trầm hương từ cách làm nhân tạo này khi đốt lên vẫn có mùi thơm như trầm tự nhiên, nhưng giá trị như thế nào thì vẫn còn... mù mờ. Thực tế loại trầm tự nhiên giá bán không cao. Phần lớn chúng được dùng sản phẩm phục vụ trong nước, làm hàng mỹ nghệ, hàng lưu niệm.
Ông Nguyễn Thanh Quang cho biết, hiện có hàng trăm ngàn cây dó bầu được trồng tại địa phương, tập trung nhiều nhất ở các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức và Nông Sơn. Đã có nhiều hội thảo, hội nghị bàn sâu về phương thức phát triển loại cây trồng công nghiệp và cách tạo trầm, nhưng thực tình chưa có kết quả rõ ràng.
Dù thực tế ở một số nông hộ, người dân khai thác hiệu quả từ việc tạo trầm nhân tạo, chế tác hàng mỹ nghệ, nhưng chính quyền và ngành nông nghiệp chưa dám đưa ra mô hình chuẩn nào để khuyến nông, lâm. Vì vậy, việc trồng dó, tạo trầm chưa được khuyến khích mà chỉ là tự phát trong dân.
Quỳnh Châu