Dân Việt

Thảo luận về dữ liệu lớn với đồng sáng lập Apple

Ngọc Phạm 02/12/2015 20:59 GMT+7
Đồng sáng lập Apple đã tham gia vào diễn đàn trao đổi về dữ liệu lớn và điện toán đám mây vừa được tổ chức tại TP.HCM.

Đồng sáng lập Apple nói gì tại hội thảo?

Khái niệm và các vấn đề liên quan tới "dữ liệu lớn" (big data), "điện toán đám mây" (cloud computing) vừa được các chuyên gia công nghệ mổ xẻ tại hội thảo S.M.A.C 2015 do MobiFone tổ chức. Đây được xem là hội thảo lớn nhất về công nghệ và kinh doanh cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam trong năm 2015.

Ban tổ chức cho biết, S.M.A..C 2015 đã thu hút sự quan tâm, tham dự của đại diện hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, trong đó có các công ty hàng đầu thế giới như KPMG, IBM. Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia của nhà đồng sáng lập Apple - ông Steve Wozniak.

img

Ông Steve Wozniak nhận được nhiều sự quan tâm của những người tham gia hội thảo. Ảnh: Ngọc Phạm

Tại hội thảo, ông Steve Wozniak khẳng định: "Điện toán đám mây đang cực kỳ phát triển, đặc biệt là khi tất cả chúng ta đều đã quen với việc luôn có một thiết bị di động sẵn sàng kết nối dữ liệu dù ở bất kỳ nơi đâu. Điện toán đám mây hỗ trợ mọi công ty dù lớn hay nhỏ theo nhiều cách khác nhau".

Ông Wozniak đưa ra minh chứng rằng, Amazon giúp cho một start-up (công ty khởi nghiệp) dễ dàng mở cửa hàng và bán hàng nhanh chóng. Hay như Microsoft Office 365 sẽ giúp cho một công ty hoạt động và quản lý tốt hơn với các ứng dụng văn phòng và quản trị doanh nghiệp.

Dự đoán công nghệ của 5 năm sau (tức tới năm 2020), ông Wozniak cho rằng đó sẽ là thời kỳ của xe tự lái. "5 năm nữa, con người không còn phải cầm lái, thay vào đó máy tính sẽ chính là đối tượng lái xe", ông nói. Tuy nhiên, ông Wozniak cũng nhấn mạnh, máy tính là một công cụ có thể thay thế cho con người, phục vụ con người chứ không thể thay thế được bộ não của con người.

img

Ông Steve Wozniak đang chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Ngọc Phạm

Ngoài ra, ông Wozniak còn chia sẻ nhiều thông tin thú vị về quá trình nghiên cứu, tạo ra chiếc máy tính Apple 1 đầu tiên, hiện đang được lưu giữ trong viện bảo tàng Mỹ. Sau đó, ông và Steve Jobs đã gõ cửa nhiều nơi để nhờ hỗ trợ về tài chính giúp tạo ra Apple 2, nhưng tất cả đều lắc đầu. Rất may, đã có một nhà đầu tư mạo hiểm nhìn thấy tương lai của sản phẩm và sẵn sàng đầu tư, tư vấn những việc nên làm cho Wozniak và Steve Jobs. Kết quả, từ 2 người làm việc tại nhà, họ đã sáng lập ra công ty Apple và nay đã trở thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới.

Qua câu chuyện của mình, ông Wozniak gửi lời nhắn nhủ tới các bạn khởi nghiệp là phải sáng tạo ra những cái gì mới, có thể thay đổi thế giới, thay đổi cả thói quen của người dùng, đồng thời phải có quyết tâm và không từ bỏ mục tiêu.

img

Ngoài Steve Wozniak, đại diện IBM, KPMG và MobiFone cũng đã có bài trình bày về dữ liệu lớn và diện toán đám mây.

Giá trị của dữ liệu lớn và điện toán đám mây

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Tổng Công ty Viễn thông MobiFone cho biết, nhờ sử dụng “dữ liệu lớn” và “điện toán đám mây” trong vận hành sản xuất kinh doanh mà MobiFone đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua.

Trong khi đó, ông Lưu Danh Anh Vũ - Giám đốc mảng Điện toán đám mây của IBM Việt Nam dẫn thông tin thống kê từ IDC: 70% giám đốc các công ty cho rằng phân tích dữ liệu và dữ liệu lớn sẽ giúp đổi mới doanh nghiệp. Dự đoán đến năm 2017, 100% ứng dụng của doanh nghiệp sẽ được ưu tiên xây dựng cho nền tảng di động. Ngoài ra, hiện đang có hơn 14.000 APIs (nền tảng dữ liệu đã xây dựng sẵn, cho phép các bên cùng khai thác) là minh chứng của xu hướng điện toán đám mây và tính mở của nó.

Để nói về sự quan trọng của dữ liệu lớn, ông Vũ đưa ra các vấn đề thực tế. Trên thế giới, mỗi ngày có khoảng 100.000 chuyến bay. Với loại máy bay Airbus A320, thời gian quay đầu (tức thời gian tính từ lúc tới điểm đích và bắt đầu một chuyến bay mới) trung bình là 25 phút, tuy nhiên có thể 45 phút nếu thời tiết không thuận lợi. Chỉ cần thời gian quay đầu trễ hơn 60 phút, doanh nghiệp có thể đã thiệt hại 10.000 USD.

Bên cạnh đó, ông Vũ đưa ra thêm ví dụ về mối liên quan giữa việc dự đoán nhu cầu hàng hóa tức thời với dữ liệu thời tiết. Các vấn đề đó là minh chứng rõ ràng nhất cho sự quan trọng của phân tích dữ liệu lớn, nó giúp các hoạt động diễn ra xuyên suốt, đồng bộ và có tính chính xác cao trong dự báo.

Theo ông Vũ, thực tế cho thấy trang web bán hàng trực tuyến Amazon ra đời (khởi đầu là một thư viện sách trực tuyến) đã xóa sổ nhiều hiệu sách trên thế giới. Hay như kho nhạc iTunes cũng khiến nhiều dịch vụ bán âm nhạc bản quyền phải lao đao. Mới đây nhất, ứng dụng gọi taxi Uber tận dụng dữ liệu lớn và cả điện toán đám mây đã tạo nên tiếng vang, gây không ít lo sợ cho hình thức taxi truyền thống.

Kết luận, ông Vũ cho rằng đã đến lúc các doanh nghiệp nên nhìn nhận một cách nghiêm túc việc tìm hiểu, triển khai công nghệ dữ liệu lớn và điện toán đám mây. "Đó có thể là giải pháp của IBM hoặc bất kỳ công ty nào khác miễn là phù hợp với quy mô, hoạt động của doanh nghiệp", ông Vũ chia sẻ.

"Hầu như mọi người đều mù mờ và không hiểu rõ về dữ liệu lớn"

Trong bài trình bày của mình, đại diện KPMG (nhà cung cấp dịch vụ kiểm toán, thuế và các dịch vụ tư vấn) chia sẻ: "Ai ai cũng nói về dữ liệu lớn, nhưng hầu như mọi người đều mù mờ và không hiểu rõ về nó. Ai cũng nghĩ những người khác đang triển khai dữ liệu lớn, và tất cả cùng khoe mình cũng đang làm thế".

Theo đại diện KPMG, có những doanh nghiệp hiện đang triển khai dữ liệu lớn nhưng lại gặp phải 3 vấn đề, đó là không hiểu giá trị, tác dụng của việc đang làm, chưa có chiến lược đúng đắn và thiếu đội ngũ nhân lực đủ giỏi. Cụ thể, số liệu nghiên cứu từ Gartner vào tháng 9.2013 cho thấy, chỉ có 28% doanh nghiệp xác định được cách tạo ra giá trị từ dữ liệu lớn, chỉ 12% xác định được chiến lược và chỉ 7% có kỹ năng cũng như năng lực cần thiết.

Thậm chí chỉ 15% hiểu rõ dữ liệu lớn là gì. Đứng trước tình huống phải đưa ra quyết định dựa vào phân tích dữ liệu, 55% lãnh đạo doanh nghiệp cảm thấy rất khó khăn. Hiện nay, chỉ có 22% dữ liệu là có ích và chỉ 6% trong đó có thể tận dụng để phân tích, phục vụ kinh doanh.

Đại diện KPMG định nghĩa: "Dữ liệu lớn là thuật ngữ chỉ các tập dữ liệu có kích cỡ và tính phức tạp lớn hơn rất nhiều so với công cụ phần mềm thông thường, dùng để thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu trong một thời gian nhất định". Liên quan tới kinh doanh, dữ liệu lớn gồm 5 yếu tố (5V), đó là Volume (dung lượng), Variety (đa dạng), Variability (kịp thời), Velocity (tốc độ) và Value (giá trị).