Dân Việt

Tiết học đặc biệt của thầy Đúng

Nguyễn Thành 03/12/2015 10:00 GMT+7
Đó là tiết học Văn chuyên đề 60 phút của lớp 11A1-lớp chuyên Toán, trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM vừa diễn ra vào sáng 2-12 do thầy giáo Trần Văn Đúng (giáo viên dạy Văn của trường) đứng lớp.

Không phải là hình ảnh thầy giáo thao thao đứng trên bục giảng, thầy đọc trò chép, cũng không phải là không khí sôi động thầy hỏi trò háo hức trả lời. Số lần thầy xuất hiện trên bục giảng chỉ đếm trên đầu ngón tay, thầy nói rất ít. Đó không phải là một tiết học chỉn chu đúng nghĩa nhưng vẫn để lại nhiều cảm xúc lắng đọng đối với các em học sinh và những người tham gia.

Tiết học chẳng quá chỉn chu

Buổi học sáng nay có chủ đề: “Bút pháp tương phản trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam và “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân. Nhóm 1 được phân công phân tích sự tương phản đối lập trong hai tác phẩm này. Nhóm 2 có nhiệm vụ làm rõ nội dung Sự tương phản trong cuộc sống hay Góc nhìn cuộc sống.

img

 Thầy Trần Văn Đúng nói về nội dung bài học. Ảnh: Nguyễn Trà

Sau khi giới thiệu sơ qua về tác phẩm và công việc của từng nhóm, thầy Đúng lùi lại phía sau ngồi vào vị trí của một cậu học trò trong lớp và chăm chú lắng nghe những người học trò của mình. Buổi học chuyên đề bắt đầu.

Nếu nhóm 1 gây ấn tượng bởi màn tranh luận sôi nổi, những ví dụ minh họa lấy từ những bộ phim nổi tiếng được đông đảo các bạn trẻ biết đến để khéo léo đưa vào nội dung như: Tình yêu và thù hận, Chiến tranh và hòa bình…hay album nhạc: Ánh sáng và bóng tối… thì nhóm 2 lại gây ấn tượng lối phân tích nội dung cực kì độc đáo.

Một cô học trò đứng ra làm người dẫn chuyện. Trên màn hình máy chiếu xuất hiện hình ảnh con tàu từ màn đêm tối chầm chậm tiến ra, giọng nói ấm áp truyền cảm của cô học trò dẫn chuyện vang lên. Slide hình ảnh xuất hiện trên màn hình như một thước phim quay chậm, đó là những hình ảnh, địa danh quen thuộc của Sài Gòn, những quang cảnh đối lập: Sài Gòn xô bồ ồn ã, Sài Gòn lắng đọng bình yên, Sài Gòn với cuộc sống xa hoa và Sài Gòn vẫn còn đó những ngôi nhà ổ chuột, những mảnh đời bất hạnh…

img

Tranh luận và phản biện giữa những cô cậu học trò diễn ra rất sôi nổi. Ảnh: Nguyễn Trà 

Nhạc nền êm dịu vang lên xen lẫn theo từng thước phim, câu chuyện về nghị lực phi thường của cậu học trò Lê Đức Duẩn, thủ khoa Đại học Dược Hà Nội được lồng ghép khéo léo đưa vào mạch nguồn câu chuyện khiến các thầy cô và các em học trò không khỏi xúc động.

Tự đánh giá về tiết học ngày hôm nay, thầy Đúng chỉ cười hiền. “Đây không phải là một tiết học chỉn chu đúng nghĩa. Trong phần trình bày của học trò, các em có nhiều chỗ còn lúng túng, dùng từ sai, vượt thời gian trình bày. Nhưng tôi không hối tiếc. Điều tôi quan tâm là các em học và nhớ được gì sau mỗi buổi học. Bên cạnh đó, tôi học được ở các em rất nhiều, học trò giỏi quá, còn biết đưa phim vào nội dung bài học, còn chụp được rất nhiều ảnh dù ảnh của các em có thể chưa đẹp, bố cục cũng không rõ ràng. Các em là học sinh khối A, năm nay lại học 11 rồi, dù không nói ra nhưng tôi biết bố mẹ và các em đều đã có định hướng con đường nghề nghiệp, khối ngành chọn thi”.

Lắng đọng nhiều cảm xúc

Nội dung trình bày của nhóm 2 nhận được sự đánh giá rất cao của các thầy cô bộ môn chuyên ngành và khách mời. Phạm Thị Thanh Nhàn, một thành viên của nhóm cho biết hơn 40 bức ảnh sử dụng trong slide này đa phần là do các thành viên trong nhóm tự chụp.

img

Ông Trần Tiến Thành, chuyên viên môn Văn, Sở GD-ĐT TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Trà.

Nhàn cho biết để có được bài thuyết trình ngày hôm nay, trước đó nhóm đã trao đổi với thầy rất nhiều, đặc biệt là qua mạng giáo dục “Trường học kết nối”. “Đây là một phương pháp học tập mới, giống như group trên facebook. Chúng em chia sẻ ý tưởng với thầy, hướng khai thác làm rõ nội dung nhờ thầy tư vấn. Các thầy cô cũng dễ dàng chia sẻ các tư liệu, nội dung bài giảng lên đó để chúng em tải về. Hôm nào online mà chưa thấy thầy, có bạn còn nhắn tin “Thầy ơi, thầy online đi thầy” để được trao đổi với thầy”, Nhàn giải thích.

Trong tiết học đạc biệt này, thầy Đúng chỉ xuất hiện với vai trò là người dẫn dắt cuộc tranh luận, là người dung hòa khi những tranh luận đó căng thẳng quá mức, là người khéo léo gợi mở đề tài…Và khi nhận thấy dấu hiệu “cuộc đấu trí” không có hồi kết, thầy sẽ nhẹ nhàng “thầy muốn con tranh luận với thầy trên trường học kết nối” (là mạng giáo dục để thầy trò dễ dàng tương tác với nhau). Và thầy luôn giữ lời hứa, đưa ra những câu trả lời thỏa đáng.

img

Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi (Đại học Sư phạm TP HCM) 

Có mặt trong buổi dự giờ, ông Trần Tiến Thành, chuyên viên môn Văn, Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá cao chất lượng và sự sáng tạo của tiết học này. Thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi (Đại học Sư phạm TP HCM) chia sẻ: “Tôi tiếc là sinh viên sư phạm Văn không có ở đây. Nếu đến đây, các em sẽ học được một cách tổ chức lớp học theo phương pháp học tập mới. Khi dự giờ ở những nơi khác, thú thực không khó nhận ra tính sắp xếp rất cao, vai trò của thầy vẫn nổi hơn cả. Còn hôm nay, thầy Đúng lùi lại phía sau để những học trò của mình đứng lên, bày tỏ quan điểm. Sự thảo luận trong buổi học của thầy Đúng mang lại cho chúng tôi những cảm xúc rất đặc biệt".

img

Cô Nguyễn Thành Ngọc Bảo nói về văn hóa tranh luận. 

Thầy Đúng nói bao nhiêu năm gắn bó với bộ môn Văn học, mỗi khi học trò nhầm lẫn, không phân biệt được Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, giờ học Văn lại đưa những bộ môn khác ra học khiến thầy không khỏi xót xa. “Tôi hi vọng phương pháp dạy học mới này có thể khơi gợi niềm đam mê văn học trong các em, giúp các em tự tin hơn. Khi tranh luận, đối tượng tranh luận cùng các em không phải là tôi, các em cũng không cần e dè nữa, đó là những cuộc đấu trí với các bạn bè cùng trang lứa".