Ông Lộc nói: Cho đến nay, các doanh nghiệp (DN) vẫn rất "ngại" khi thực hiện bảo hiểm cho ngư dân. Nguyên nhân do các DN bảo hiểm không thể quản lý đội tàu để biết chất lượng cũng như giá trị của nó. Việc bảo hiểm chỉ được thực hiện thông qua kê khai. Trong khi đó, tổn thất trong đánh bắt của ngư dân lại quá lớn.
Việc hỗ trợ bảo hiểm cho ngư dân một mặt giúp họ giảm bớt khó khăn, mặt khác còn giúp giữ chủ quyền đất nước. |
Từ việc chìm tàu ở ngoài khơi, DN bảo hiểm cũng không kiểm tra, kiểm soát được. Phạm vi hoạt động đánh bắt của ngư dân lại rộng, khi có tổn thất không thể chứng minh đó là tổn thất thật hay không; do vậy phải bồi thường nhiều. Ngay cả khi neo đậu ở bờ thì tổn thất tàu thuyền của ngư dân cũng không phải ít.
Ông Phùng Đắc Lộc |
Tính tất cả các chi phí này thì phí bảo hiểm cho ngư dân là rất cao, bản thân họ không thể gánh vác được; mà thu phí thấp thì DN bảo hiểm lỗ nặng, không thể kinh doanh nên họ không mặn mà hay nói cách khác không dám nhận bảo hiểm cho ngư dân.
Nhưng thực tế, chúng ta cũng đã có các chính sách bảo hiểm để hỗ trợ cho ngư dân, vậy tại sao lại chưa đem lại hiệu quả, thưa ông?
- Đúng là Chính phủ đã có nhiều chính sách để hỗ trợ bảo hiểm cho việc đánh bắt của ngư dân. Như chính sách trợ giúp tất cả phí bảo hiểm đánh bắt xa bờ cho ngư dân song việc áp dụng trên thực tế lại khó khăn. Bởi, chính sách này không đưa ra số tiền cụ thể bảo hiểm cho một ngư dân, do vậy, thường mức chi bảo hiểm chỉ đạt ở mức thấp nhất là 10 triệu đồng/người. Phí bảo hiểm lại theo phương tiện đánh bắt xa bờ. Ví dụ đội tàu biên chế 30 người thì chỉ được 30 suất trợ giúp. Chưa kể, các tàu đánh bắt xa bờ luôn có sự thay đổi số người đi biển nên rất khó để có thể bảo hiểm.
Hiện nhiều ý kiến đồng tình nên có một quỹ hỗ trợ bảo hiểm cho ngư dân, ông nghĩ quỹ này ra đời sẽ khắc phục được những hạn chế nêu trên?
- Tôi cho nếu lập quỹ để hỗ trợ rủi ro trong sản xuất của ngư dân thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Nhưng trước hết chúng ta phải xác định đối tượng hỗ trợ thì mới đem lại hiệu quả. Hiện phần lớn ngư dân đều theo tàu đi làm thuê và được trả công. Chúng ta phải nhìn vào bản chất của tình hình này để xác định được ngư dân cần được hỗ trợ, bảo hiểm là ai? Chúng tôi và Bộ Tài chính đã thảo luận nhiều nhưng vẫn mắc ở khâu này.
Vậy phải có chính sách bảo hiểm như thế nào để thực sự đem lại hiệu quả cho ngư dân?
- Chúng ta nên có chính sách bảo hiểm ngư dân như bảo hiểm nông nghiệp hiện nay. Đó là Bộ NNPTNT - Bộ Tài chính - các địa phương và DN phải cùng vào cuộc, xem đây là việc phải làm như một nhiệm vụ chính trị. Thứ nhất là chúng ta phải tìm ra được đối tượng được hưởng chính sách.
Thứ hai, chúng ta phải phân loại được rủi ro trong đánh bắt của ngư dân. Muốn động viên họ ra khơi thì phải có chính sách bảo hiểm riêng cho từng loại rủi ro. Bởi ngư dân có mặt trên biển sẽ như trạm tiền tiêu, bảo vệ chủ quyền của đất nước nên họ phải được khuyến khích, hỗ trợ bằng các chính sách bảo hiểm. Trong giao thông bộ, bảo hiểm mạng người lên tới 50 triệu đồng thì ngư dân cũng phải được bảo hiểm ít nhất là như vậy.
Nhưng hiện nay, như ông nói, chúng ta chưa thể nắm được hoạt động cũng như bản thân các ngư dân, phương tiện cũng như hoạt động đánh bắt của họ thì làm sao để các chính sách trên phát huy hiệu quả?
- Muốn vậy thì chính quyền các xã phải vào cuộc. Họ là người nắm rõ từng ngư dân, con tàu. Chỉ có xã mới giúp được DN bảo hiểm xác định được những chuyến tàu ra khơi, biết được người đi trên tàu bao nhiêu, như thế nào. Chính quyền xã sẽ giúp tạo điều kiện cho các DN bảo hiểm quản lý được rủi ro của ngư dân để họ chấp nhận bảo hiểm.
Hiện các DN bảo hiểm lớn đều đã có chi nhánh ở tất cả các tỉnh. Nếu làm đồng bộ, đây sẽ là thị trường lớn DN có thể khai thác tốt. Sau này, ngư dân, chủ tàu phải có trách nhiệm thông báo cho chính quyền xã về hoạt động khai thác của họ.
Nhưng thưa ông, dù bảo hiểm gì thì điều căn bản vẫn là cần nâng cao chất lượng đánh bắt xa bờ của ngư dân thì các chính sách hỗ trợ mới đem lại hiệu quả?
- Đúng như vậy. Đội tàu đánh bắt của ta hiện nay đều đã xuống cấp, cần thanh lý. Chúng ta cần thực hiện song song việc bảo hiểm với việc quy hoạch lại đánh bắt xa bờ để ngư dân hoạt động theo đội, tổ. Chúng ta nên có mô hình chuẩn đánh bắt xa bờ như thế nào, tàu vệ tinh như thế nào thì mới được. Hiện chúng ta vẫn khai thác biển manh mún, tiểu nông, nặng tâm lý "đèn nhà ai nhà nấy rạng".
Tới đây chính quyền xã phải có vai trò lớn hơn trong việc tổ chức khai thác biển của ngư dân. Chính quyền các địa phương phải coi việc làm kinh tế cũng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Xin cảm ơn ông!
Mai Hương (Thực hiện)