Để có cái nhìn toàn cảnh hơn về chương trình này, từ số báo hôm nay, Báo NTNN bắt đầu khởi đăng loạt bài 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM- Nông thôn “khoác áo” mới. Ngày này, cụm từ “xã nông thôn mới” đã trở nên phổ biến trong cả nước. Trong số 1.500 xã đã và sẽ đạt NTM, có không ít cách làm hay, điển hình.
Làng tỷ phú
Với hơn 100 tỷ phú có từ 3–5 tỷ đồng, hơn 10 tỷ phú từ 10 tỷ đồng trở lên, làng Phương La, xã Thái Phương (Hưng Hà) được mệnh danh là làng tỷ phú giàu có nhất Thái Bình và trở thành “điểm nhấn” về xây dựng NTM ở đây.
Một góc của làng tỷ phú Phương La, xã Thái Phương (Hưng Hà, Thái Bình), với nhưng ngôi nhà khang trang. Ảnh: Đạt Tùng
Ông Trần Xuân Thủy – Trưởng ban Giám sát xây dựng NTM thôn Phương La cho biết, thôn có 284 hộ với trên 1.000 nhân khẩu, trong đó hiện có khoảng 130 hộ là tỷ phú, dù diện tích đất nông nghiệp chỉ có chừng 100ha. Lý giải điều này, ông Thủy nói: “Hầu hết các hộ ở Phương La giàu lên bằng nghề dệt”.
Kể từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, từ xã đến thôn đều xác định việc chuyển đổi ngành nghề cho bà con nông dân sang làm các nghề phi nông nghiệp là mấu chốt cho sự thành công. Ông Trần Bá Cao - Phó Chủ tịch UBND xã Thái Phương cho biết, do trên địa bàn đã có nghề dệt truyền thống từ lâu đời, nên khi quy hoạch NTM, xã đã rất quan tâm đến việc quy hoạch cụm, khu làng nghề. “Để tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất cũng như kiểm soát ô nhiễm môi trường, xã đã có hẳn một khu làng nghề, đồng thời hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đường giao thông… nên các hộ, doanh nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất” – ông Cao cho hay.
Dẫn chúng tôi đi thăm các xưởng dệt, ông Cao cho biết, chủ trương của xã là đẩy mạnh phát triển nghề dệt và dịch vụ, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành nghề có thế mạnh của địa phương. Nhờ đó, hiện xã có khoảng 70% lao động có công việc ổn định tại các cơ sở dệt, với lương từ 3 – 6 triệu đồng/người/tháng, số còn lại vừa làm nông, vừa làm dệt thời vụ. Không những vậy, nghề dệt ở xã còn tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động ở các địa phương khác.
Một trong các tỷ phú nổi tiếng ở làng dệt này là ông Trần Văn Sen với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Vừa qua, ông Sen đã hỗ trợ xã hơn 1 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống trường THCS và 300 triệu đồng xây dựng hội trường thôn Phương La. “Xây dựng NTM là chương trình rất ý nghĩa, nên tôi không tiếc tiền khi ủng hộ chương trình này” - ông Sen nói.
Gia đình ông Vũ Quang Huy chủ một doanh nghiệp dệt đã không ngần ngại khi chi hơn 1 tỷ đồng xây dựng trường tiểu học, mầm non giúp hai trường này đạt tiêu chuẩn quốc gia năm 2014 và ủng hộ hơn 700 triệu đồng…
Bài học Hải Đường
Ở Thái Phương, không chỉ có gia đình ông Sen, ông Huy mà còn có hàng chục gia đình, doanh nghiệp đã chi hàng tỷ đồng, hàng chục tấn xi măng để làm đường. Nhờ đó, xã đã làm mới được hơn 100 tuyến đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng… Nhờ đó, đến nay xã đã chuẩn bị hoàn thành cả 19 tiêu chí NTM. |
Là xã điểm xây dựng NTM của T.Ư, xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, Nam Định) đã trở thành một xã mẫu điển hình. Ông Nguyễn Văn Tuần – Bí thư Đảng ủy xã Hải Đường cho biết: “Năm 2009, chúng tôi nhận thức là xã làm điểm thì sẽ được T.Ư đầu tư. Bởi vậy cứ làm quy hoạch tốt, sau đó T.Ư sẽ cấp kinh phí. Giai đoạn đầu, xã cũng chưa quan tâm đến huy động sức dân. Sau khi tính toán, xã lập dự toán nguồn vốn khoảng 127 tỷ đồng để đầu tư các công trình hạ tầng. Lập dự án và chờ vốn đã khiến Hải Đường như bị hụt hơi. Chỉ đến khi, huyện Hải Hậu đúc kết kinh nghiệm, phát động phong trào xây dựng NTM từ các xóm và hộ gia đình, với tinh thần tự lực, phát huy nội lực thì mọi khó khăn, lúng túng của Hải Đường mới được tháo gỡ.
Ông Đoàn Hồng Phong –Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cho biết: “Việc huyện Hải Hậu lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở, gia đình là hạt nhân của cuộc vận động xây dựng NTM thực sự là cách làm hay, thể hiện được nhận thức sâu sắc đối với Chương trình xây dựng NTM và sự vận dụng sáng tạo các quan điểm chỉ đạo của T.Ư và của tỉnh vào điều kiện thực tế ở nông thôn”.
Ông Nguyễn Phùng Hoan - Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định cho rằng: “Để xây dựng NTM đạt được kết quả thực chất và bền vững và có đủ nguồn lực trong điều kiện sự hỗ trợ của Nhà nước có hạn, công tác tuyên truyền vận động có vai trò hết sức quan trọng. Muốn có sự đồng thuận cao và sự tham gia tích cực của người dân và cộng đồng, trước hết từng người dân, hộ gia đình, thôn xóm phải “thông” về tư tưởng và ủng hộ”.
Việc đúc kết kinh nghiệm cùng với sự chỉ đạo kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt đã đem lại cho NTM Nam Định những thành công nổi bật. Đến nay, tỉnh đã có 89 xã đạt 19 tiêu chí xã NTM chiếm 43% so với tổng số xã của tỉnh, trong đó có 65 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Các hộ nông dân đã góp 2.851 ha đất nông nghiệp (tương đương 5.717 tỷ đồng), hiến được 206 ha đất thổ cư (tương đương trên 1.000 tỷ đồng).
Những dấu mốc trong xây dựng nông thôn mới Ngày 16.4.2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 491 ban hành Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM với 19 tiêu chí cơ bản. Ngày 4.6.2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800 phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, với mục tiêu phấn đấu số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2015 là 20% và đến năm 2020 là 50%. Ngày 8.6.2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Lễ phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng NTM”. Ngày 16.5.2014, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm xây dựng NTM. Trong giai đoạn 3 năm đầu tiên, cả nước mới có 185 xã đạt đủ 19 tiêu chí NTM. Ngày 12.11.2015, Quốc hội đã thông qua việc phân bổ ngân sách với tổng nguồn vốn gần 240.000 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016-2020. Ngày 8.12.2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ chủ trì Hội nghị tổng kết 5 năm xây dựng NTM. Dự kiến đến hết năm 2015, cả nước có khoảng 1.500 xã NTM, 10 huyện NTM. Bình quân, mỗi xã đạt 12 tiêu chí. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 4 tỉnh “trắng” xã NTM. Hạ Vi (tổng hợp) |
Thu nhập của nông dân tăng 1,9 lần Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình MTQG về xây dựng NTM, trong giai đoạn từ 2011 – 2015, cả nước đã huy động được khoảng 851.854 tỷ đồng đầu tư cho NTM. Trong đó ngân sách nhà nước chiếm 32,68%, tín dụng, nhân dân góp 97.282 tỷ đồng (11,42%), đặc biệt khối doanh nghiệp chỉ đóng góp có 4,9%. Riêng ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình mới đạt 113.585 tỷ đồng (13,33%). Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đánh giá, nét nổi bật trong 5 năm thực hiện xây dựng NTM là hạ tầng nông thôn có bước phát triển nhảy vọt, nhất là giao thông nông thôn, làm cho bộ mặt làng quê khang trang, thay đổi rõ nét. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp đã được chú trọng, rất nhiều mô hình sản xuất phát triển theo hướng coi trọng lợi thế, hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa. “Cả nước có hơn 20.000 mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả và tăng hiệu quả từ 15-20%. Cũng vì thế, thu nhập của cư dân nông thôn tăng gấp 1,9 lần so với thời điểm 2010”- ông Nam đánh giá. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Doãn Khánh- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, trong xây dựng NTM hiện nay chúng ta vẫn còn quá chú trọng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi khâu tổ chức lại sản xuất vẫn chưa được thực hiện nhiều, để tăng thu nhập cho nông dân. “Tôi cho rằng, trong xây dựng NTM, tiêu chí tăng thu nhập vẫn quan trọng hơn cả”- ông Khánh nói. Ông Trịnh Thế Khiết- Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội cũng cho rằng, chúng ta không nên chỉ nhìn vào con số 1.500 xã NTM, mà phải nhìn vào chất lượng trong việc thực hiện các tiêu chí đó. “Phải xác định xây dựng NTM là việc của chính những người dân sinh sống ở đó, chúng ta không nên chạy theo thành tích với danh hiệu xã, huyện NTM mà bỏ qua chất lượng trong việc thực hiện các tiêu chí đó”. Về mục tiêu trong xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo, Ban Chỉ đạo T.Ư đã hạ chỉ tiêu xuống còn 40% số xã NTM vào năm 2020, giảm 10%. Đồng thời, phấn đấu mỗi tỉnh, thành có ít nhất 1 huyện NTM. Ngọc Lê |