ĐH Y Hà Nội, nơi đào tạo ra nhiều bác sĩ giỏi chuyên môn cho ngành y. Trong ảnh: Một giờ thực hành của sinh viên trường ĐH Y Hà Nội tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh: Trần Minh.
Học phí cao ngất
Theo tìm hiểu của PV, trong số các ngành học hiện nay, dược, điều dưỡng là các ngành luôn có học phí cao. Cụ thể, ở hệ đại học, trung bình mỗi sinh viên phải tốn không dưới 20 triệu đồng/năm học, còn tăng qua các năm. Đặc biệt, ở một số trường ngoài công lập, năm nay học phí y, dược còn rục rịch tăng lên khoảng 30 triệu đồng/năm học.
Ở bậc cao đẳng, trung cấp, học phí khối ngành sức khỏe cũng cao không kém với mức từ 11 - 12 triệu đồng/năm/sinh viên, trong khi các ngành khác như ngân hàng, kế toán… chỉ tầm 8 - 10 triệu đồng/năm/sinh viên.
Đồng bằng Sông Cửu Long nổi tiếng xưa nay với tình trạng thiếu bác sĩ nên từ năm 2011 đến nay, khu vực này đã có 18 trường đào tạo nhân lực y tế bậc trung cấp; 9 trường bậc cao đẳng; 5 trường bậc đại học với mức mỗi năm cho ra trường khoảng 1.000 bác sĩ, dược sĩ... |
Đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng xưa nay với tình trạng thiếu bác sĩ nên từ năm 2011 đến nay, khu vực này đã có 18 trường đào tạo nhân lực y tế bậc trung cấp; 9 trường bậc cao đẳng; 5 trường bậc đại học với mức mỗi năm cho ra trường khoảng 1.000 bác sĩ, dược sĩ...
Việc có nhiều trường đào tạo y bác sĩ, điều dưỡng khiến sinh viên rất chật vật tìm nơi thực tập. Một bệnh nhân ở Huế đã tâm sự rằng, ngày đầu tiên nằm viện, ông rất vui vì được nguyên một đoàn bác sĩ, nhân viên y tế đến tận tình hỏi han và khám sức khỏe. Ngày thứ hai cũng vậy. Ngày thứ ba thì ông phải giả vờ ngủ vì quá sợ đoàn bác sĩ này. Nguyên do là mỗi lần như vậy, ông phải tiếp từ 5- 6 người khám và hỏi liên tục khiến ông cảm thấy mệt mỏi, không có thời gian nghỉ ngơi.
Về vấn đề tuyển dụng nhân sự y tế, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM - cho biết, trước đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tuyển bác sĩ từ các trường Đại học Y Dược TPHCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), Đại học Y Dược Cần Thơ, Đại học Tây Nguyên (Đắk Lắk)… “Hiện đã có một số trường tư mở khoa y dược, nhưng chưa có lứa sinh viên nào ra trường. Chúng tôi cũng đang chờ xem chất lượng đào tạo của họ như thế nào. Tuy nhiên, đào tạo chuyên ngành y dược là một chương trình rất đặc thù. Ngoài trang bị lý thuyết, quan trọng hơn nữa là vấn đề huấn luyện, thực tập lâm sàng cho sinh viên tại các bệnh viện, thực tập ở bệnh viện nào…”, bác sĩ Châu nói.
Chất lượng không tốt sẽ “thua ngay sân nhà”
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, theo thông tin dự báo nguồn nhân lực thì từ nay đến năm 2020, chúng ta có khoảng 270.000 chỗ làm việc trong khối ngành sức khỏe (bao gồm y bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ…), trong đó, có hơn 10.000 chỗ việc làm mới/ năm.
Theo ông Tuấn, ngành y hiện nay vẫn còn thiếu nhân lực so với ngành dược… tuy nhiên vừa thiếu lại vừa thừa, do sinh viên ra trường không đáp ứng được chất lượng. Một vấn đề được ông Tuấn đặt ra là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ ra đời vào cuối năm 2015, các nước thành viên phải thực hiện cam kết về tự do luân chuyển lao động. Việc này một mặt tạo cơ hội cho dịch chuyển lao động có chất lượng, song mặt khác lại đặt ra những thách thức lớn đối với lao động thiếu kỹ năng. Ông Tuấn dẫn chứng, chúng ta có 8 ngành nghề mà lao động có kỹ năng tay nghề cao được phép di chuyển trong khu vực Hiệp định thì 3 ngành thuộc lĩnh vực y khoa là nha sĩ, bác sĩ, y tá. Nên rất có thể Việt Nam sẽ thiếu hụt những người giỏi trong lĩnh vực y tế do di chuyển ra nước ngoài làm việc.
“Vì thế, cần có sự tính toán về đào tạo so với việc làm và sự hội nhập trong thời gian tới. Đặc biệt, cần quy hoạch lại ngành y. Không thể có chuyện có trường lấy 27, 28 điểm nhưng có trường chỉ lấy 17- 18 điểm. Đang thiếu y bác sĩ nhưng không phải ai ra trường cũng có việc làm”, ông Tuấn nói.