Dân Việt

Nỗi đau đa cấp: Dân sập bẫy, chính quyền không hay

Ngô Bình - Nguyệt Ân 04/12/2015 09:35 GMT+7
Nhẹ dạ cả tin vào những lời hứa hão với số tiền kiếm được hàng chục triệu mỗi tháng chỉ sau thời gian ngắn tham gia vào hệ thống đa cấp, nhiều người lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

img

Sau hơn một tháng tham gia công ty đa cấp, Vũ tay trắng và quyết định bỏ việc đi học lại.

Tán gia bại sản

Ngồi trong căn nhà trọ chưa đầy 10m2 ở khu trọ dành cho công nhân ở quận Bình Tân, TPHCM, chị Nguyễn Thị Thoa (28 tuổi) chán nản khi kể lại chuyện gia đình mình tan nát, nợ nần chồng chất từ khi bố chị nghe lời tham gia vào công ty đa cấp. Theo chị Thoa, cách đây hơn một năm, bố chị bị thấp khớp và gai cột sống, người hàng xóm giới thiệu một nơi chăm sóc sức khỏe cho người già nên rủ bố chị đi thử xem có hiệu quả không. Sau buổi hôm đó, bố chị về nhà yêu cầu con gái đưa 10 triệu đi chữa bệnh vì thấy mấy người đến đó chữa đều khỏi cả.

Nghĩ bố đi chữa bệnh nên chị đưa tiền rồi cứ ít ngày, bố chị lại về đòi tiền, không chỉ 10 triệu mà 50 triệu rồi cả trăm triệu cho đến khi tiền trong nhà cạn hết. Không có tiền nộp vào công ty, ngày nào bố chị cũng đi đâu đó rồi về chửi bới. Mấy tháng sau, chị phát hiện ông đã mang sổ đỏ của gia đình đi cầm lấy 200 triệu đồng làm gì không ai biết. Chị Thoa thăm dò hàng xóm, mới biết bố chị tham gia vào công ty đa cấp và bao nhiêu tiền của gia đình bị gom nộp vào công ty.

Những ngày sau, cả gia đình tìm mọi cách khuyên ông bỏ công ty đó để lấy lại tiền, nhưng ông một mực không chịu. Càng ngày, gia đình xích mích càng nặng rồi bố chị đuổi vợ chồng chị ra ngoài. Căn nhà cũng đem cho thuê rồi đi thuê phòng trọ ở.  Số tiền gần tỷ đồng bỏ vào công ty không thấy lãi đâu mà mỗi ngày tiền nợ do ông cầm sổ đỏ càng tăng. “Ban đầu bố bảo lấy tiền đi chữa bệnh nên không có cung cố chạy cho bố, đến khi biết thì đã muộn. Giờ hai vợ chồng phải đi ở trọ, bao nhiêu tiền làm được phải bỏ ra đóng lãi để giữ cái sổ đỏ. Còn tiền để chuộc lại không biết khi nào mới đủ”, chị Thoa chia sẻ.

Chị Thoa kể, từ khi bố chị tham gia vào công ty đa cấp, tình cảm gia đình ngày càng rạn nứt. Bố chị vay tiền hết người này đến người khác nên hàng xóm sợ, giờ ra đường không dám nhìn ai vì xấu hổ.

Ông Nguyễn Tính ở quận 9, TPHCM kể, không chỉ bản thân ông là nạn nhân của bán hàng đa cấp, khu nhà ông ở có rất nhiều người bị một phụ nữ rủ tham gia đầu tư vào Công ty Thiên Ngọc Minh Uy. Có người sau khi đến công ty nghe giới thiệu kiếm tiền dễ quá về gom hết tiền bạc, tài sản trong nhà để đầu tư hàng tỷ đồng. “Không xa đâu, bà hàng xóm nhà tôi mới gom hết tiền rồi đem cả cuốn sổ đỏ đi cầm gần 1 tỷ đồng để theo công ty này. Lợi thì chưa thấy đâu nhưng bị con cháu từ mặt. Suốt ngày vợ chồng cãi nhau vì bà cứ đòi kiếm thêm tiền để đổ vào công ty”, ông Tính cho biết.

Sau một thời gian làm việc tại Cty Hoàng Kim Thế Gia ở TPHCM nay đổi thành Công ty TNHH thương mại Khang Phú Đạt thì Vũ, sinh viên ở một trường đại học tại TPHCM mới nhận ra dấu hiệu lừa lọc trong làm ăn của công ty đa cấp này. Khi nghỉ việc, Vũ đến công ty để đòi lại tiền nộp trước đó để tham gia vào công ty nhưng không được. Cách đây một năm, khi ngồi đợi xe buýt ở bến xe Bến Thành, quận 1, Vũ gặp một người tên Tình. 

Tình rủ rê Vũ tham gia vào hệ thống đa cấp của công ty này. “Họ nói em mà vào công ty em sẽ thành công chứ không có thất bại. Sau này ra trường cũng không phải lo thất nghiệp. Ở đây em sẽ quen được nhiều doanh nhân, được học nhiều kỹ năng mềm. Mà sinh viên thì cứ nghe đi làm thêm, có tiền là thích rồi! Em nghe thấy hay quá nên bỏ học đi làm theo họ luôn”, Vũ nhớ lại.

Trao đổi với phóng viênTiền Phong ngày 1/12, đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết tên Công ty Thiên Ngọc Minh Uy không có trong hệ thống của Sở này, không đăng ký dinh doanh ở tỉnh Bình Dương. 

Không có tiền, Vũ được Tình chỉ cách lập một danh sách tất tần tật những người quen biết từ bạn cũ đến bạn mới, thân hay không thân rồi đi mượn tiền từng người một. “Với cách này, cuối cùng em cũng mượn được số tiền 27 triệu và ký hợp đồng để gia nhập công ty”- Vũ kể. Không như Tình hứa, hơn một tháng vào việc, Vũ nhận ra tất cả chỉ là lời hứa hão. 

Cũng như Vũ, Hà Anh, sinh viên Đại học Thể dục thể thao TPHCM chấp nhận mất gần 20 triệu đồng sau khi nhận ra những “vở kịch” sau khi gia nhập Công ty Thiên Ngọc Minh Uy. 

Hà Anh kể lại sau khi kết bạn Tuấn Anh - đàn anh học chung trường cấp 3 qua mạng xã hội, cô được người này dẫn lên Công ty Thiên Ngọc Minh Uy chơi. Bị dụ dỗ bởi cách làm giàu nhanh chóng, nhưng gia đình không có tiền, lúc này Tuấn Anh chỉ cho cô cách lập danh sách bạn bè để vay mượn. Mượn bạn bè không đủ, Tuấn Anh dụ Hà Anh đem chiếc máy tính xách tay và cầm chứng minh thư của cô lấy gần 20 triệu đồng mua sản phẩm để trở thành thành viên của công ty.

Vào công ty cô cũng học lớp trị liệu dưỡng sinh, massage mặt, bấm huyệt... do công ty tổ chức. Sau 4 tháng làm việc, không những không kéo được người nào vào công ty, không có tiền lời mà số tiền nợ lãi vì cầm đồ, đi vay lên con số 26 triệu đồng. Cô giấu gia đình chạy đi mượn hết chỗ này đến chỗ khác cũng chỉ trả được 10 triệu đồng, còn 16 triệu không có tiền trả nên cô “bỏ của chạy lấy người” nghỉ việc bỏ học về quê.

Cạm bẫy khắp nơi, chính quyền không biết

Ngay gần UBND thị trấn Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương nhiều tháng qua, Cty Thiên Ngọc Minh Uy tổ chức hàng trăm người “hội thảo”, bán sản phẩm “chữa bệnh”. Đặc biệt, với chiêu thức kinh doanh đa cấp, khi nhân viên “nổ” với mỗi đơn hàng 11,8 triệu đồng, người mua hàng sẽ được nhận về ngay 25 triệu mà không cần phải làm gì. Thế mà, cơ quan chức năng vẫn không hề hay biết.

Công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy có văn phòng với cái tên Phụng Tường 10 nằm trong khu biệt thự “VIP” Ruby Land tại thị trấn Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương với bảng hiệu, nhân viên hoạt động rầm rộ hằng ngày. Không những thế, các cuộc “hội thảo” cũng được diễn ra liên tục ở một khách sạn gần đó với quy mô mỗi lần tổ chức hàng trăm người tham gia.

Thế nhưng, khi chúng tôi tìm đến UBND phường Mỹ Phước để tìm hiểu về hoạt động của công ty này và quản lý của chính quyền địa phương thì bà Nguyễn Thị Xuân, Chủ tịch UBND phường trả lời: “Mới chuyển về công tác nên không biết đó là công ty gì, cũng không biết hoạt động như thế nào?”. 

Ngay cả các cán bộ thâm niên ở đây, khi được hỏi đều không ai hay biết có sự hiện diện của công ty bán hàng đa cấp. Chúng tôi đặt câu hỏi công ty này đặt văn phòng trên địa bàn phường, vậy sao phường không biết họ hoạt động như thế nào, thì bà Xuân nói về quản lý, cấp phép là Phòng Kế hoạch- Tài chính huyện Bến Cát nên phường không nắm. 

Tuy nhiên, đại diện Phòng Kế hoạch - Tài chính huyện Bến Cát cho biết nơi đây không quản lý cấp phép mà do Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp phép. “Khu biệt thự Ruby Land hiện nhà đầu tư vẫn chưa bàn giao cho địa phương nên địa phương chưa được quyền quản lý nên không biết công ty này hoạt động trên địa bàn”- người này nói.