Chiếc Su-24 bị bắn hạ hôm 24.11 vừa qua khiến quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Nhà vật lý thiên văn Tom van Doorsslaere và Giovanni Lapenta từ trường Đại học Leuven (Bỉ) đã đặt câu hỏi xung quanh những tuyên bố của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ máy bay Su-24 bị bắn hạ hôm 24.11. Họ dùng những phép toán đơn giản về tốc độ bay, độ cao và hướng bay để cho thấy những điều phi lý đằng sau các bằng chứng mà hai bên đưa ra.
Theo Thổ Nhĩ Kỳ, máy bay bị bắn khi xâm phạm không phận nước này trong vòng 17 giây với quãng đường di chuyển khoảng 2km. Tên lửa được bắn sau khi 10 lần cảnh báo liên tiếp trong 5 phút không được phía phi công Nga đáp lại.
Trong một bài viết ở blog của trường Đại học Leuven, Tom van Doorsslaere và Giovanni Lapenta khẳng định tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ là sai sự thật. Dựa trên số liệu từ mảnh vỡ máy bay, họ tính toán rằng máy bay đang lao đi với vận tốc 980 km/giờ trước khi bị bắn hạ. Ở tốc độ đó, máy bay sẽ hoàn thành khoảng cách 2km chỉ trong 7 giây chứ không cần tới 17 giây như báo cáo mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra.
Về việc Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo 10 lần trước khi tiêu diệt mục tiêu, các nhà khoa học cho rằng 5 phút cảnh báo ở tốc độ 980km/giờ thì máy bay đã di chuyển được hơn 80km rồi. Từ đó, họ kết luận: “Làm sao không quân Thổ Nhĩ Kỳ có thể đoán trước được máy bay Nga sẽ xâm phạm không phận nước này?”
Máy bay chiến đấu là rất cơ động nên hoàn toàn có khả năng máy bay Nga chuyển hướng để tránh vùng không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Các tín hiệu cảnh báo dành cho phi công Nga đơn thuần chỉ là phỏng đoán mà phía Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra.
Bản đồ cho thấy vị trí máy bay rơi.
Trong các tuyên bố của Nga, bản đồ cho thấy máy bay có thực hiện cú xoay 90 độ sau khi bị bắn rơi. Quan chức điện Kremlin khẳng định máy bay không hề vi phạm không quân Thổ Nhĩ Kỳ và chiếc Su-24 bị bắn hạ ở phần lãnh thổ Syria, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo các nhà khoa học, một cú ngoặt 90 độ đột ngột ở vận tốc cao như vậy chỉ có thể xảy ra nếu như máy bay bị một thứ gì đó di chuyển rất nhanh và rất mạnh đâm phải.
“Tên lửa nhẹ hơn máy bay rất nhiều”, ông van Doorsslaere trả lời hãng DW (Đức). “Một cú đổi hướng đột ngột chỉ xảy ra nếu kịch bản là một đoàn tàu hỏa va chạm với một chiếc xe con”.
Ý tưởng nghiên cứu hành trình bay và chi tiết vụ việc máy bay Nga rơi xảy đến khi hai nhà khoa học bàn thảo vụ việc lúc ăn trưa cùng nhau. “Chúng tôi cảm thấy rất băn khoăn về số liệu mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra sau vụ việc”, ông van Doorsslaere nói. “Chúng tôi tính toán trong đầu rồi quay trở lại văn phòng làm thêm các đo đạc một lần nữa. Các con số mà chúng tôi đưa ra là hoàn toàn chuẩn xác”.
Ông van Doorsslaere cho biết thêm rằng mình và đồng nghiệp không muốn chứng minh bằng chứng nước nào đưa ra là chuẩn xác hơn. Ông muốn cho mọi người thấy bất kì dữ liệu, con số nào đưa ra cũng phải được cân nhắc và xem xét cẩn thận.
Kể từ sau khi bài blog của hai nhà khoa học được đăng tải, họ nhận được thêm nhiều thông tin và ý kiến về vụ việc này. Tuy nhiên, họ không có ý định khám phá sâu hơn. Van Doorsslaere nói vẫn muốn đọc các số liệu khác từ các nhà khoa học đưa ra.
Ông nói: “Thật tốt nếu như có ai đó tính toán được một cách đúng đắn hơn chúng tôi”.