Dân Việt

Cổ vật trong chùa liên tiếp... "không cánh mà bay"

Lan Ngọc 04/12/2015 15:17 GMT+7
Mấy ngày nay, dư luận lao xao trước thông tin nhiều hiện vật cổ của chùa Nền (quận Đống Đa, Hà Nội) “không cánh mà bay”.

Điều đáng nói, các hiện vật đó đã mất 3 năm nay, nhưng chưa cơ quan quản lý nào có ý kiến. Phải chăng, vấn đề bảo vệ hiện vật trong di tích đang bị thả nổi?

Cổ vật liên tiếp “không cánh mà bay”

Chùa Nền không phải là di tích đầu tiên rung lên hồi chuông cảnh báo cho cơ quan quản lý văn hóa về vấn đề mất hiện vật.

Năm 2014, chùa Đa Sỹ (quận Hà Đông) liên tiếp bị kẻ trộm lấy đi nhiều cổ vật, đồ thờ trăm tuổi như: Đỉnh thờ và 4 bát hương có niên đại từ thời Nguyễn, sập gụ, 10 pho tượng quý. Tháng 1/2014, tại xã Phù Lưu (huyện Ứng Hòa) xảy ra 2 vụ trộm cổ vật ở chùa Phù Lưu và đình Phù Lưu Hạ. Kẻ trộm đã lấy toàn bộ cổ vật có giá trị bên trong, bao gồm: Đồ thờ cúng, đặc biệt là quả chuông nặng 103kg được coi là báu vật của chùa Phù Lưu.

img

Ông Đặng Huynh - Phó Ban quản lý di tích phường Láng Thượng, phụ trách chùa Nền (quận Đống Đa) nói về khu vực để các hiện vật. Ảnh: Phạm Hùng

Chùa Nền được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1994 dựa trên những giá trị lịch sử của di tích, trong đó bao gồm những hiện vật có niên đại lâu đời. Nhưng các cổ vật từ sắc phong, tượng Phật đến cả bát hương cổ bị mất từ 3 năm nay mà không ai lên tiếng. Phải đợi đến khi những mâu thuẫn phía sau hiện vật giữa sư trụ trì và các bậc cao niên, việc mất hiện vật mới phát tác.

Theo ông Đặng Văn Bàn, người từng được giao nhiệm vụ phục chế 4 sắc phong cổ của chùa Nền cho biết: “Trước khi bị mất, 4 sắc phong cổ đã từng được đặt trong cung cấm và để trong một chiếc hộp. Tuy nhiên, từ năm 2012, không ai còn thấy sự xuất hiện của 4 sắc phong cổ tại chùa”.

Ngoài ra, 4 pho tượng Phật bằng đồng cổ trên tòa Cửu Long, bát hương cổ, bia cổ từ thời kỳ chùa mới được xây dựng, 5 bức tượng gỗ được gắn trong một vòng tròn lớn cố định cũng... biến mất. Người ta bắt đầu hoài nghi về tình trạng mất hiện vật cổ có tính hệ thống tại các ngôi chùa. Bởi vì, tình trạng trộm đồ cổ ở các ngôi đình, chùa không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà đã xuất hiện tại nhiều địa phương trên cả nước với nhiều hình thức và thủ đoạn cả tinh vi, lẫn ngang nhiên.

Ở hầu hết các nơi, chỉ sau khi bị mất tài sản thì các biện pháp phòng ngừa mới được tăng cường.

Cơ quan quản lý ở đâu?

Liên quan đến sự việc mất hiện vật tại chùa Nền, lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội cho biết đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an. Tuy nhiên, theo ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội: “Trông coi các hiện vật trong di tích là trách nhiệm của sư trụ trì và chính quyền địa phương. Ngành văn hóa TP chỉ có thể có ý kiến khi sự việc được trình báo”.

Cổ vật mất 3 năm có được trình báo hay không thì công an phường Láng Thượng chưa thể xác định được do thay đổi về nhân sự nên chưa kiểm tra hồ sơ lưu. Phòng VH&TT quận Đống Đa cũng đang nỗ lực liên lạc với sư Thích Đàm Phương (sư trụ trì chùa Nền) để tìm hiểu nguyên nhân việc mất hiện vật tại di tích.Trước hiện tượng nhiều hiện vật “không cánh mà bay”, ông Trương Minh Tiến cho rằng, với số lượng hơn 5.000 di tích trên địa bàn TP, trường hợp mất hiện vật chỉ xảy ra ở một vài di tích, không phải mang tính phổ biến.

Song, xác định được hiện vật trong di tích mang ý nghĩa rất lớn, có giá trị văn hóa lịch sử cao nên Hà Nội vẫn tăng cường giữ gìn, bảo vệ. Hiện nay, Hà Nội đang tập trung tuyên truyền, thống kê, đánh số lập hồ sơ các hiện vật trong di tích nhằm làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan quản lý đối với từng di tích cụ thể.Mỗi cổ vật đều có gốc tích và ý nghĩa lịch sử văn hóa riêng, gắn với một địa danh, một vùng đất nào đó. Khi những cổ vật này bị mất, những di tích đình chùa sẽ bị mất đi "linh hồn".

Nhiều nhà nghiên cứu và nhà quản lý văn hóa cho rằng việc bảo vệ di tích cần được coi trọng không kém gì việc trùng tu di tích, tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng", để giá trị của di sản có thể gìn giữ được cho muôn đời sau.