Dân Việt

Muốn thắng IS, hãy bẻ gẫy 2 điểm mạnh nhất

Quang Minh - NI 05/12/2015 00:08 GMT+7
Hơn một năm rưỡi kể từ khi Mỹ và liên quân không kích IS tại Syria và Iraq, tổ chức khủng bố này vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động, gieo rắc nỗi kinh hoàng. Đâu mới thực sự là mục tiêu Mỹ cần nhắm vào để đánh tan IS?

Trong vài tuần qua, IS đã thực hiện 3 vụ tấn công đẫm máu trên toàn cầu. Trước tiên, Nga khẳng định vụ máy bay số hiệu 9268 rơi ở Ai Cập là do khủng bố đặt bom làm 224 người thiệt mạng. Sau đó, IS khẳng định trách nhiệm vụ đánh bom kép ở Li-băng khiến ít nhất 40 người chết. Một ngày sau, vụ tấn công liên hoàn ở Paris cướp đi sinh mạng của 130 người.

IS dồn lực ra nước ngoài cho thấy khả năng quân sự và tình thế khó khăn của chúng tại chính lãnh thổ Iraq và Syria mà chúng kiểm soát. Trong 6 tháng qua, các chiến dịch không kích IS do liên quân Mỹ và Nga đứng đầu thu được nhiều kết quả rất khả quan. Các chiến dịch bộ binh mở rộng khu vực kiểm soát ở miền bắc Syria và miền tây Iraq.

img

Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố chưa bao giờ dễ dàng với Mỹ

Một phần ba số thủ lĩnh cấp cao IS cũng bị tiêu diệt trong một năm qua. Tên chóp bu Abu Bakr al Baghdadi đã bị thương sau một vụ không kích và bị giáng chức. Kẻ kế nhiệm cũng đã bị tiêu diệt sau một trận càn quét. Đầu tháng  trước, đao phủ khét tiếng “John thánh chiến” cũng bị máy bay Mỹ tiêu diệt.

Mặc dù bị oanh tạc dữ dội và thiệt hại nhiều như vậy, IS vẫn kiểm soát phần lớn lãnh thổ Iraq và Syria, biến đây trở thành “thiên đường” cho những kẻ khủng bố trong khu vực và thế giới tìm đến. Hơn nữa, chế độ kế nhiệm và chân rết dày đặc làm hạn chế năng tiêu diệt kẻ đứng đầu.

Mối họa mà IS đưa ra ngày hôm nay còn tồi tệ hơn vì hai lí do: tiềm lực tài chính và khả năng thu hút các phiến quân nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới. Nâng cao nỗ lực quốc tế ở hai khía cạnh này mới giúp chặn đứng được sức mạnh nội tại của IS hiện nay.

img

Buôn bán dầu lậu là "mỏ vàng" giúp IS kiếm tiền khủng mỗi ngày

Nguồn tài chính của IS rất mạnh, bất chấp liên quân Mỹ tiến hành không kích các cơ sở hạ tầng trọng yếu của chúng. Năm ngoái, IS kiếm được 500 triệu USD từ dầu mỏ, theo nguồn tin từ các quan chức Bộ Tài chính Mỹ.

Dù các đợt không kích gần đây nhằm vào đoàn xe bồn và cơ sở hạ tầng sản xuất dầu mỏ mà IS kiểm soát, chúng vẫn có được nguồn thu từ các hoạt động buôn bán dầu lậu khác. Chưa kể số tiền thu được từ bắt cóc tống tiền, nông nghiệp và thuế khóa. Những khoản thu này, cùng với nguồn “dự trữ chiến lược” hơn 2 tỉ USD, đủ sức cho IS tiến hành các hoạt động khủng bố khắp châu Âu và Bắc Mỹ.

Dòng chảy lũ lượt và ổn định các binh sĩ "thánh chiến" từ nước ngoài, bao gồm hàng ngàn tên từ phương Tây là lí do thứ hai khiến IS luôn có khả năng reo rắc nỗi kinh hoàng. IS đã dụ dỗ 30.000 tín đồ Hồi giáo từ hơn 100 quốc gia đến Syria và Iraq để tham chiến. Trong khi các chiến dịch không kích làm suy yếu sức mạnh của IS thì một lượng lớn phiến quân mới bổ sung lại lấp đầy chỗ trống của những kẻ đã bị tiêu diệt.

Các kênh tuyên truyền của IS nhằm vào các thanh niên Hồi giáo trẻ tuổi sống ở châu Âu, Bắc Mỹ với lời kêu gọi tới Syria để được huấn luyện, đào tạo trở thành một kẻ đánh bom liều chết. IS không thể suy yếu dù liên quân có tiến hành nhiều đợt oanh tạc hơn nữa. Chỉ có sự nỗ lực quốc tế mới giúp giải quyết được tình hình trên bộ hiện nay khi hàng ngàn phiến quân nước ngoài cứ ngày đêm tìm đường tới Syria và Iraq.

Sự bùng nổ của IS gần đây cho thấy nỗ lực hiện tại của liên quân – tập trung vào Iraq và Syria – vẫn còn quá hạn chế. Để ngăn chận sự ảnh hưởng toàn cầu, Mỹ và các đối tác cần tìm cách cắt nguồn tiền của dồi dào và ngăn chặn dòng chảy phiến quân nước ngoài tràn vào Syria và Iraq.

img

Phiến quân khủng bố nước ngoài theo IS đổ về Syria và Iraq ngày càng nhiều (ảnh minh họa)

Trước hết, Mỹ và các nước khác cần một chiến dịch mới cắt đứt nguồn viện trợ cho IS và những cỗ máy kiếm tiền bên trong Iraq và Syria. Washington có thể cấm vận, phong tỏa những cá nhân tài trợ cho khủng bố hoặc những kênh tài chính chủ đạo giúp chúng có được trang thiết bị, máy móc cần thiết để vận hành các mỏ khai thác dầu.

Việc phong tỏa tài sản đơn thuần chưa đủ giải quyết vấn đề, vì dòng chảy tiền vẫn tồn tại. Để chặn đứng, cần thiết phải ngăn chặn các hoạt động sản xuất dầu mỏ của IS và tiến hành các đợt không kích nhằm vào chính các cơ sở này.

Thứ hai, Mỹ cần phải ngăn chặn phiến quân nước ngoài tìm đường tới Iraq và Syria. Điều này cần một nỗ lực quốc tế sâu rộng, bao gồm chia sẻ thông tin, dữ liệu tình báo cũng như kiểm soát biên giới chặt hơn. Mỹ cần đi đầu trong một nỗ lực đa phương nhằm ngăn chặn các phiến quân bỏ trốn sang Syria và Iraq bằng hệ thống luật pháp mạnh tay hơn, kiểm soát biên giới, tuần tra chung, chia sẻ tin tức tình báo và tiêu diệt các kênh tuyên truyền IS.

Những giải pháp này có thể  ngăn chặn trong ngắn hạn ảnh hưởng lan rộng hiện nay của IS. Về lâu dài, cần một sự đảm bảo an ninh vững chắc hơn và các biện pháp ngoại giao hiệu quả, thực chất hơn.