17 tháng trước, Chủ tịch Lee Kun-hee bất ngờ lên cơn đau tim. Đó không phải lần đầu tiên ông chủ của đế chế công nghệ hàng đầu Hàn Quốc (cheabol lớn nhất xứ sở kim chi) lâm bạo bệnh. Ở tuổi U80, cuối cùng ông và ban điều hành cũng phải nghĩ tới việc tìm kiếm người thay thế thực sự cho chiếc ghế nóng ở Samsung.
Lee Jae-yong, con trai duy nhất của Chủ tịch Lee Kun-hee, khi đó đã có vài năm làm việc ở vị trí "giám đốc khách hàng" - một chức danh được thành lập dành riêng cho anh - trở thành người kế nhiệm chiếc ghế Chủ tịch không chính thức. Lee Jae-yong lúc đó tạm giữ chức Phó chủ tịch, và bắt đầu mục tiêu đưa tập đoàn này trở thành ông lớn trong cả mảng thiết kế phần cứng và phần mềm của ngành điện thoại di động.
Samsung đang đứng trước con đường cải tổ hay là chết. Ảnh: Bloomberg.
Theo Economist, Lee Jae-yong tỏ ra là người chịu được áp lực lớn, và anh vượt trên chủ tịch tiền nhiệm nhờ mối quan hệ khá tốt với những lãnh đạo của đối thủ cạnh tranh chính là Steve Jobs và Tim Cook của Apple. Thời gian nắm giữ chức vụ Giám đốc khách hàng của doanh nhân từng tốt nghiệp trường Harvard đã giúp anh có thể giải quyết nhiều mối quan hệ phức tạp trong công việc. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả khó khăn mà thế hệ lãnh đạo thứ 3 của Samsung phải đối mặt.
Samsung đang tụt dốc. Mặc dù quý III/2015 đã chứng khiến sự tăng trưởng trở lại trong lợi nhuận sau hơn một năm thụt lùi, nhưng giới chuyên gia cho rằng kết quả này không giúp hãng có động lực tăng trưởng.
Trao đổi với Bloomberg, Lee Sang-hun, một nhà phân tích của công ty chứng khoán và đầu tư HI, cho rằng, tăng trưởng chậm chạp của Samsung trong những tháng giữa năm 2014 là có thể hiểu được. Bởi khi đó, Lee Jae-yong cần sự ổn định, chứ không phải một cải cách mạnh mẽ.
Tuy nhiên, hiện nay, dù dồn nhiều tài nguyên phát triển hệ điều hành Tizen để cạnh tranh với cả Adroid và iOS nhưng thành tích của Samsung trong lĩnh vực phần mềm còn rất hạn chế. Trong khi đó, sản xuất phần cứng đang trong điểm rơi của thị trường.
Phần lớn những "cỗ máy in tiền" như màn hình hiển thị, thẻ nhớ và thậm chí là smartphone đều đang bão hòa. Sản xuất con chip là mảng đóng góp nhiều nhất cho Samsung, với tỷ suất lợi nhuận là 28,5% không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm tỷ suất lợi nhuận từ mảng di động, vốn chỉ còn 9% từ mức đỉnh 20% trước đó.
"Cho đến nay, Samsung chỉ có thể phát triển phần cứng, nhưng vì không có phần mềm, công ty này không thể chờ đợi tương lai hứa hẹn trong ngành di động thông minh", Jun Je Wan, sáng lập viên của ứng dụng chia sẻ video AireLive nói.
Thực tế, việc điều hành trực tiếp hơn 60 công ty của Samsung không phải là hoạt động thường nhật của Lee Jae-yong. Thay vào đó, Phó chủ tịch Samsung tập trung vào việc tái cơ cấu tập đoàn, sáp nhập các chi nhánh, bán cổ phiếu ra công chúng của các công ty con hoạt động có hiệu quả, và bán đi những mảng miếng không còn mang lại lợi nhuận, như hóa chất và quốc phòng.
Trong khi đó, mảng điện thoại thông minh và di động của Samsung đang được điều hành bởi Giám đốc bộ phận JK Shin. Gắn bó với Samsung nhiều năm, Shin mang lại nhiều thành công cho tập đoàn, khi nâng doanh số smartphone của hãng từ con số 94,2 triệu chiếc năm 2011 lên 318,2 triệu chiếc. Đồng thời, dưới quyền điều hành của Shin, lợi nhuận về di động của Samsung từng đạt mức đỉnh 25.000 tỷ won vào năm 2013, theo số liệu của Bloomberg.
Tuy nhiên, giữ lại JK Shin vào lúc này với Lee Jae-yong có thể sẽ là rất rủi ro. Không thể đưa công ty vào đường ray vận hành trơn tru, cách điều hành của JK Shin còn được giới chuyên gia dự đoán sẽ khiến Samsung ngày càng thất thế trước Xiaomi (thường được gọi là Apple Trung Quốc).
Cải cách hay là chết, đó là con đường mà Lee Jae-yong phải chọn. Là con trai duy nhất của Chủ tịch Lee Kun-hee, chiếc ghế cao nhất của Samsung chắc chắn không nằm ngoài tầm tay của Lee Jae-yong. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian, nhưng tập đoàn này liệu có thể quay trở lại thời kỳ hoàng kim hay không lại là bài toán không dễ đặt ra cho vị tỷ phú 47 tuổi.