Với ông Trịnh Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã, mỗi khi nói về NTM ở Nghĩa Minh, thường hay kể về con đường khang trang trước cổng ủy ban xã là trục xương sống kết nối tới tận các xóm. Ông bảo, con đường này trước đây xuống cấp, đi lại khó khăn, đường nhỏ lại quanh co, cỏ dại mọc đầy. Giờ đã trở nên sầm uất, cửa hàng san sát, điện cao áp thắp sáng mỗi đêm. Sự đổi thay này chỉ đến từ khi địa phương bắt tay XDNTM.
Theo ông Tuấn cho biết, Nghĩa Minh vốn là xã thuần nông, xa trung tâm huyện, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao (11,8% năm 2010). Năm 2011, khi xã được huyện Nghĩa Hưng chọn làm xã điểm XDNTM, không ít người ngỡ ngàng. Cấp ủy, chính quyền của xã cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng. Lúc đó xã mới đạt cả thảy 7 tiêu chí.
Xã Nghĩa Minh đã thay đổi diện mạo nhờ cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư (Trọng Đạt)
Ông Tuấn chia sẻ: Lúc đó chúng tôi xác định rằng chỉ có cơ hội này, Nghĩa Minh mới phát triển được. Nên dù khó khăn đến mấy cũng phải động viên nhân dân thực hiện thắng lợi XDNTM. Xã cũng xác định nhiệm vụ đầu tiên là phải làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người dân hiểu rõ mục đích cuối cùng của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Nghĩa Minh đã chọn lựa công tác dồn điền đổi thưa để đột phá và trở thành xã làm điểm của huyện. Khi dồn điền, xã tổ chức thực hiện chặt chẽ, bàn bạc thống nhất từ cơ sở, xây dựng đề án kế hoạch và chỉ được triển khai khi người dân đồng tình. Nhờ đó ngay trong năm 2011, xã đã hoàn thành dồn điền đổi thửa. Sau khi đồn đổi, đồng ruộng được quy hoạch liền vùng liền thửa, xây dựng 2 cánh đồng mẫu lớn với diện tích trên 100 ha trồng ba vụ, thực hiện cơ giới hóa.
Dân góp 70.000 m2 đất để làm đường, tự nguyện hàng ngàn ngày công để san lấp, cải tạo, nhờ đó, 100% đường trục chính ngoài đồng đã được bê tông hóa. Xã còn quy hoạch được quỹ đất công ra trung tâm xã để làm chợ và tạo nguồn thu cho tương lai.
Diện mạo của Nghĩa Minh đã thay đổi hoàn toàn. Tuyến đường liên xã dài 1,3 km cùng toàn bộ hệ thống đường dong, ngõ xóm với tổng chiều dài gần 20 km và 18 km đường trục chính ra các xứ đồng được đổ bê tông hoặc trải nhựa bảo đảm chất lượng. Nhà văn hóa của các xóm được đầu tư do nhân dân đóng góp xây dựng, có đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt, hội họp. Nghĩa trang liệt sĩ và hai khu di tích lịch sử được đầu tư, nâng cấp với tổng kinh phí trên 4 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội hóa. Nhân dân còn tự nguyện đóng góp lắp đặt hệ thống điện thắp sáng trong toàn xã, lát gạch vỉa hè dọc tuyến Quốc lộ 37B, đầu tư nhà máy nước sạch. Trong 4 năm (2011 - 2014) xây dựng NTM, xã Nghĩa Minh đã huy động được gần 55 tỷ đồng.
Năm 2014, Nghĩa Minh là 1 trong 9 xã đầu tiên của tỉnh Nam Định được công nhận đạt chuẩn NTM. Vùng quê ngày càng khởi sắc hơn khi đã có một số doanh nghiệp đầu tư, liên kết với người dân phát triển sản xuất. Chính quyền xã cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển ngành nghề. 91% lao động địa phương có việc làm, với 41% được đào tạo nghề; thu nhập bình quân đạt trên 29 triệu đồng/người/năm, tăng 2,5 lần so với 2010, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,4% giảm 9,4%... là những con số đầy ý nghĩa để hành trình XDNTM của Nghĩa Minh ngày càng bền vững hơn.