Dụng cụ câu cá vỉa hè rất đơn giản chỉ là lưỡi câu gắn sợi dây cước dài 5m và cái bình nhựa để cột và cuộn sợi dây cước. Mồi câu cá trê bắt buộc phải là trùn hổ.
“Thợ câu” Nguyễn Quốc Minh đang “tác nghiệp” qua khe hở của miệng ống cống thoát nước trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa, Đồng Nai).
Anh “thợ câu” Nguyễn Quốc Minh (45 tuổi, nhà ở khu phố 2, phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) tiết lộ, mỗi ngày anh đi câu cũng được từ 4-5kg cá trê. Có ngày may mắn câu “dính” được một con cá trê phi cân nặng tầm 3kg cũng có. Giá bán tại chợ cá Biên Hòa dao động từ 40.000- 60.000 đồng/kg, tùy theo từng loại cá trê lớn - nhỏ.
Để câu “dính” được con cá trê chỉ dùng duy nhất mồi là trùn hổ.
Cũng theo lời anh Minh chia sẻ thì địa bàn “mần ăn” của dân câu chủ yếu là ở mấy cái ống cống thoát dọc theo trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa). Bởi vì các đường ống thoát nước này đều thông thẳng ra phía bờ sông Đồng Nai cách đó khoảng 300m, nên cá trê tự nhiên theo con nước lớn, nước ròng ngoài sông chạy ra, chạy vào đường cống khá nhiều.
Nghề câu cá trê này đòi hỏi người “thợ câu” phải có tính kiên trì, nhẫn nại và chịu khó vì luôn cắm cúi mặt nhìn chăm chú xuống đáy cống thoát nước để theo dõi mọi động tĩnh khi cá cắn câu, đớp mồi.
Kinh nghiệm 4 năm trong nghề câu cá trê trên cạn, anh Minh cho biết thêm thì sau mỗi cơn mưa lớn thì dưới đáy ống cống cá trê từ ngoài sông bơi về tụ tập nhiều lắm. Dòng nước lúc này đục ngầu, chỉ cần ngồi gắn mồi vào lưỡi câu rồi thả sợi dây cước xuống đáy cống thì tha hồ “bội thu” cá trê. Thời điểm lý tưởng nhất cho “dân câu” ngồi miệng cống “thả câu” là độ từ 14h đến 17h chiều hằng ngày.
Một con cá trê nhỏ 400 gram vừa bị “thợ câu” Minh giựt dính được.
Hiện nay, “đội quân” câu cá trê chỉ có khoảng 4-5 người, nhưng tất cả mọi người đều xác định nghề này “vui là chính” chứ không ham bám cái nghề này để kiếm sống vì số lượng cá ngày càng giảm sút, không ổn định...