Chợ hoạt động bất hợp pháp
Năm 2000, Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh Sâm) thành lập Công ty TNHH Đại An (viết tắt là Công ty Đại An, ở phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh). Công ty này có 3 khu chợ, đó là Phù Khê Thượng, Phù Khê Đông (còn gọi Đồng Bèo) và Tấn Bào. Các khu chợ này đều buôn bán gỗ.
Trùm giang hồ Minh Sâm thời chưa bị bắt.
Quá trình điều tra, cơ quan công an đã làm rõ 2 chợ Phù Khê Thượng và Đồng Bèo quá trình hình thành là hợp pháp (được tỉnh Bắc Ninh phê duyệt), nhưng hoạt động lại bất hợp pháp. Cụ thể, đối với loại chợ này, UBND thị xã Từ Sơn có trách nhiệm phê duyệt nội quy, quy chế hoạt động. Thế nhưng kể khi 2 chợ trên đi vào hoạt động, UBND thị xã Từ Sơn không nhận được hồ sơ, tờ trình, văn bản xin phê duyệt, cấp phép thủ tục hành chính của công ty Đại An.
Trước khi Công ty Đại An cho các hộ kinh doanh gỗ thuê, công ty đã đầu tư san lấp mặt bằng, làm đường, phân lô, xây ki-ốt, mắc điện... Để được vào kinh doanh, các hộ dân phải trả tiền thuê mặt bằng cho Công ty Đại An của trùm giang hồ Minh Sâm. Ngoài ra, mỗi hộ kinh doanh phải đóng các khoản phí như điện, nước, thuê bảo vệ với mức giá 1 triệu đồng/tháng.
Đối với khu chợ Tấn Bào, đây là khu đất thuộc dự án đối ứng của Công ty Đại An. Công ty Đại An làm cho tỉnh Bắc Ninh đường Nguyễn Văn Cừ (Từ Sơn), đổi lại tỉnh cho công ty đầu tư, xây dựng khu đất thổ cư phân lô trước mắt là 15ha. Khu chợ Tấn Bào có diện tích 3ha nằm trong số diện tích 15ha kể trên.
Tháng 8.2014, khi vụ án Minh Sâm và đồng bọn bị khởi tố, thì diện tích đất trên vẫn đang trong thời gian hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, tỉnh Bắc Ninh chưa giao đất trên thực địa nên chưa thuộc quyền sở hữu của Công ty Đại An. Công ty của trùm giang hồ Minh Sâm đã lấn chiếm đất để xây dựng chợ trái phép.
Thu trái phép nhiều tỷ đồng
Khu chợ Tấn Bào khi đi vào hoạt động Minh Sâm giao cho Nguyễn Thành Hưng (tức Hưng Sóc, người vừa bị chết vì bệnh) quản lý. Hưng cũng thu phí của các hộ kinh doanh như thu ở chợ Phù Khê Thượng.
Minh Sâm còn chỉ đạo nhân viên thu phí đối với các loại xe tải chở gỗ vào khu vực này. Cụ thể, xe chở gỗ loại tải trọng dưới 5 tấn khi qua cầu Tấn Bào hoặc từ Đông Anh (Hà Nội) sang, vào đường Nguyễn Văn Cừ để về 3 chợ Phù Khê Thượng, Đồng Bèo, Tấn Bào, về kho bãi của các hộ kinh doanh gỗ, phải nộp 300 nghìn đồng/xe. Đối với loại xe nhỏ hơn thì 2 hoặc 3 xe được tính bằng 1 xe tải dưới 5 tấn.
Đối với loại xe có tải trọng lớn, xe tải "2 chân" (mỗi dàn bánh phía sau tương ứng "1 chân") nộp 1 triệu đồng, xe tải "3 chân" nộp 1,5 triệu đồng, xe tải "4 chân" và 20 fit (kích thước của container) nộp 2 triệu đồng, xe 40 fit nộp 2,5 triệu đồng và xe đầu kéo nộp 3 triệu đồng.
Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 6.2012 đến khi bị bắt (tháng 8.2014), đã có hơn 4.000 lượt xe phải nộp tiền cho nhân viên của Minh Sâm (hơn 5,3 tỷ đồng).
Để làm rõ số tiền trên, cơ quan điều tra đã xác minh, tìm bị hại, nhưng đến nay mới làm rõ được 2 công ty TNHH và 15 người bị Minh Sâm và đồng bọn cưỡng đoạt tài sản số tiền trên 554 triệu đồng. Tuy nhiên, có 95 triệu đồng theo phiếu thu có tên bị hại nộp tiền, nhưng khi xác minh, một số bị hại cho biết không ký tên, họ cũng không nhớ ai nộp tiền hộ. Chính vì thế khi kết thúc điều tra vụ án, cơ quan công an chỉ xác định Minh Sâm và đồng phạm phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Cưỡng đoạt tài sản" số tiền hơn 459 triệu đồng.