Tại một hội thảo liên quan tới khoa học máy tính cách đây không lâu tại TP.HCM, ông Steve Wozniak - người đã cùng Steve Jobs sáng lập ra Apple, nhận định: "Dù máy tính có thể xử lý hàng triệu, hàng ngàn tỉ phép tính vẫn sẽ không bao giờ thay thế được trí óc của con người. Nhiều máy tính đã suy nghĩ tốt hơn con người, nhưng nó tư duy chứ không có đầu óc".
Theo ông Wozniak, chúng ta chỉ đang biến máy tính trở nên thông minh hơn, nhằm phục vụ cuộc sống của con người. "Chúng xử lý thông tin để phục vụ con người chứ không thể là con người được", ông nhấn mạnh.
Ông đưa ra ví dụ: Camera không biết chớp mắt, nháy mắt nhưng có thể nhận biết đèn đỏ, rẻ trái, rẻ phải. Tương tự là các công nghệ nhận diện giọng nói, nhận diện khuôn mặt.
Ông Steve Wozniak là đồng sáng lập Apple cùng với CEO tài ba Steve Jobs.
Về bản thân ông Wozniak, khi 10 tuổi ông đã rất thích máy tính. "Tôi tìm tòi cách lắp ráp hàng trăm cấu phần vào một chiếc máy. Khi đó, mọi người thường hỏi tôi "Ở trường học chưa đã hay sao mà về nhà còn lắp ráp này kia?". Còn nhớ chiếc máy tôi lắp ráp lúc đó có hàng ngàn transistor mà không một ai hiểu gì cả", ông Wozniak nói.
Ý tưởng của ông Wozniak về máy tính chỉ trở nên rõ ràng khi ánh xạ trò thổi morse (chỉ gồm 2 tín hiệu "tít' và "te") với con số 0 và 1. "Tôi thấy điều này hay quá và tôi tự đặt câu hỏi nếu áp dụng vào máy tính thì sẽ ra sao. "Ồ! chiếc máy tính mà tôi đang tìm đây rồi", tôi đã thốt lên như vậy", ông kể thêm.
Khi đó, cứ đi học về là ông làm việc miệt mài suốt các ngày cuối tuần, không có thầy giáo và cũng không có một ai hướng dẫn. Ông đã vẽ đi vẽ lại cấu trúc máy tính để tối giản thành phần. Trong lúc đang nghiên cứu thì ông gặp Steve Jobs.
Wozniak cho biết, Steve Jobs học sau ông 4 năm. Đầu óc của Steve Jobs không muốn hiểu những gì đang diễn ra trong máy tính như cách các kỹ sư hiểu.
"Tôi mày mò làm nhiều thứ lắm! Sản phẩm đầu tiên chính là chiếc máy tính Apple I trông rất kỳ cục, không đẹp. Sau Apple I, tôi muốn đưa thêm màn hình và bán phím vào ở phiên bản cải tiến.
Lúc này, tôi và Steve Jobs nói nó sẽ thay đổi cả thế giới, và chúng tôi chỉ thiếu tiền. Suy nghĩ của chúng tôi là phải làm ra một chiếc máy tính cá nhân có thể xử lý các công việc hằng ngày, chứ không phải các cỗ máy hàng triệu USD để làm các việc trên trời", ông chia sẻ.
Ông nói thêm: "Chúng tôi đã nghiên cứu 5 năm. Chính hãng HP lúc đó đã 5 lần từ chối chúng tôi về ý tưởng máy tính cá nhân. Chúng tôi cũng đã nói về ý tưởng máy tính cá nhân với tất cả các công ty mà chúng tôi biết, nhưng tất cả họ đều từ chối vì không nhìn thấy triển vọng. Các nhà đầu tư mạo hiểm thì đặt câu hỏi máy tính này bán cho ai bây giờ.
May mắn là chúng tôi đã tìm được một nguồn hỗ trợ trị giá 250.000 USD mà tương đương với 1 triệu USD hiện tại, để làm Apple II. Ông ta (người tài trợ - PV) hướng chúng tôi phải tuyển ai, làm theo hướng nào, đó là thầy của cả tôi và Jobs. Kết quả như các bạn thấy, công ty từ 2 người trẻ tuổi làm việc tại nhà, đã trở thành một công ty thành công".
"À mà tôi học đại học đầy đủ chứ không nghỉ nhé!", ông Wozniak (hài hước) nói.
Ông Steve Wozniak đã tự mày mò, nghiên cứu và thiết kế máy tính cá nhân từ năm 10 tuổi.
Tiếp tục, ông chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp: "Chúng tôi không biết lập kế hoạch kinh doanh là gì cả. Tuy nhiên, chuyện đó có thể học nhanh thôi, quan trọng là phải nghĩ ra những thứ làm chấn động địa cầu, ý tưởng phải mới mẻ. Ngoài ra, làm gì thì làm, phải có lợi nhuận để tiếp tục vận hành. Các bạn phải rất năng động, sáng tạo, từ từ bổ sung thêm từng thứ vào sản phẩm, như chúng tôi thêm nào là một chút bộ nhớ, tốc độ xử lý vào máy tính vậy".
"Nếu cái bạn làm ra không thay đổi được cuộc sống của con người thì nó không có giá trị. Cái gì đã có sẵn rồi thì bắt chước dễ dàng lắm! Các bạn đừng bao giờ đầu hàng, bỏ cuộc. Những cái gì chưa hình thành thì hãy liên kết mọi thứ lại, bó buộc chúng với nhau để tạo nên sản phẩm. Nên nhớ rằng, không cần phải là một kỹ sư màn hình mới có thể tạo ra cái gì đó chấn động về màn hình", ông nhấn mạnh.