TP.Quảng Ngãi đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Ảnh: T.L
Ông Trần Dương – Phó Trưởng phòng Kinh tế kiêm Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM TP.Quảng Ngãi cho biết, tổng nguồn vốn đầu tư cho NTM của thành phố 5 năm qua đạt trên 225 tỷ đồng. Trong đó, bên cạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn lồng ghép từ các chương trình dự án, TP.Quảng Ngãi đã huy động doanh nghiệp và nhân dân đóng góp 13,4 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân còn tự nguyện hiến 22.000m2 đất và 4.200 ngày công để mở đường giao thông. Từ sự tham gia tích cực đó của người dân, 2 xã Tịnh Châu và Tịnh Khê đã nhanh chóng đạt chuẩn. Các xã còn lại đều đạt bình quân 9,4 tiêu chí/xã. Một số tiêu chí trên 50% số xã đã đạt chuẩn, như điện; bưu điện; nhà ở dân cư; hộ nghèo; giáo dục; y tế...
Theo ông Dương, người dân đã tích cực hưởng ứng NTM bằng cách tham gia, đầu tư nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập, vượt qua đói nghèo, làm giàu bền vững. Tiêu biểu như mô hình trồng rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Hà; mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại xã Nghĩa Hà, Nghĩa Dõng; mô hình trồng rau diếp cá tại xã Tịnh Châu, trồng hành lá tại xã Tịnh Khê, rau ăn quả tại Tịnh Long; mô hình chăn nuôi bò lai zebu sinh sản tại các xã Tịnh Châu, Tịnh Khê; mô hình chăn nuôi gà trang trại tại xã Tịnh Ấn Tây, Nghĩa Hà, Tịnh Hòa; mô hình nuôi tôm an toàn dịch bệnh tại Tịnh Kỳ...
Sự hưởng ứng tích cực đó của người dân đã giúp cho lãnh đạo thành phố tự tin đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 sẽ có 80% số xã đạt chuẩn NTM và 20% số xã còn lại đạt ít nhất 14/19 tiêu chí trở lên.
TP.Quảng Ngãi đang hướng đến một nền nông nghiệp xanh - sạch. Về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thành phố coi trọng việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chú trọng các lĩnh vực có tính chất đột phá như giống, công nghệ sinh học, giải pháp kỹ thuật về an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản.