Dân Việt

Dân thích nước mưa, trạm cấp nước sạch ế ẩm

Hải Đăng 08/12/2015 14:00 GMT+7
Đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên có 19 trạm cấp nước phục vụ người dân nông thôn. Tuy nhiên, có tới 55% số trạm này hoạt động dưới 50% công suất hoặc ngừng hoạt động, khiến nhiều hộ dân nông thôn phải dùng nước kém chất lượng.

Người dân không mặn mà

Xã Ngọc Thanh (huyện Kim Động), có khoảng 2.000 hộ dân, hiện sử dụng nguồn nước chủ yếu là giếng khoan. Ông Trần Danh Kiền - Phó Chủ tịch UBND xã cho hay: Nguồn nước ngầm ở xã có chất lượng kém, ngày càng cạn kiệt và ô nhiễm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

img

 Công nhân vận hành một trạm cấp nước sạch tập trung tại huyện Kim Động. Ảnh:  H.Đ

Anh Trần Văn Quyết - người dân xã Ngọc Thanh cho biết: “Khổ lắm chú ạ! Nhiều năm nay chúng tôi phải sử dụng nước giếng khoan ô nhiễm, ăn hay bị đau bụng, tắm còn bị ngứa, nổi mụn... nhưng kêu lên xã thì xã cũng bất lực”.

Theo anh Quyết, trong xã có nhiều hộ khoan giếng sâu tới 60m cũng chưa có nước. Chỗ có nước thì chất lượng rất kém, lọc đi, lọc lại nhiều lần nước vẫn vàng khè mà vẫn phải “nhắm mắt, nhắm mũi” ăn. Được biết, từ giữa năm 2015, xã Ngọc Thanh đã bàn giao trạm cấp nước ngày cho Công ty cổ phần Phú Hà đầu tư tu sửa, làm mới toàn bộ hệ thống đường ống nước đến các hộ gia đình trong xã.

Trạm cấp nước tập trung xã Thuần Hưng (Khoái Châu) được thiết kế công suất 2.200m3 nước/ngày đêm, cung cấp cho khoảng 3.600 hộ dân ở hai xã Thuần Hưng và Đại Hưng, khánh thành đầu năm 2015. Đến giữa tháng 11.2015, có khoảng 2.000 hộ đã đấu nối, sử dụng nước máy, nhưng hoạt động của trạm mới đạt hơn 30% công suất.

Lý do, theo anh Trần Đình Thịnh - cán bộ quản lý trạm cấp nước xã Thuần Hưng, thì dù nhu cầu nước sạch trong sinh hoạt của bà con rất lớn, nhưng do thói quen sử dụng nước không mất tiền (nước giếng khoan, nước mưa) nên khi đến từng nhà vận động đấu nối, sử dụng nước sạch, họ không mặn mà. Thậm chí, nhiều hộ lắp đồng hồ nước rồi cũng không sử dụng...

Chưa coi trọng tuyên truyền, vận động

 " Nhà nước cần đưa ra những chính sách hấp dẫn đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, quản lý, vận hành trạm cấp nước tập trung, để họ yên tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp trạm cấp nước tập trung nhằm phục vụ nhân dân được tốt và hiệu quả hơn".
Ông Lê Trung Kiên

Ông Lê Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết: Nguyên nhân các công trình nước sạch hoạt động kém hiệu quả là do phần lớn người dân vẫn quen tập quán sử dụng nước giếng, nước mưa trong đời sống.

Trong khi đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước sạch trong sinh hoạt chưa được coi trọng. Nhiều hộ khó khăn trong việc đầu tư mắc đồng hồ, chi trả tiền nước.

Việc UBND các xã ủy quyền giao cho doanh nghiệp quản lý vận hành theo cơ chế hiện nay chưa khai thác hiệu quả tiềm lực của doanh nghiệp trong việc đầu tư nâng cấp, mở rộng hoạt động của trạm cấp nước tập trung.

Để khai thác hiệu quả các trạm cấp nước tập trung, ông Kiên cho rằng, các cấp, ngành và các đoàn thể, nhất là ở cấp xã, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo nên phong trào sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, cải thiện cuộc sống, bảo vệ sức khỏe.

“Cùng với đó, cần có sự phối hợp tốt trong việc cho vay, sử dụng nguồn vốn của Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn để nguồn vốn này hướng tới việc ưu tiên cho hoạt động đấu nối, sử dụng nước sạch ở những địa phương có trạm cấp nước tập trung. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ giá nước sạch cho hộ nghèo, hộ cận nghèo” – ông Kiên nhấn mạnh.