Bắt đầu từ hạt giống
Với tổng diện tích xấp xỉ 160.000ha đất trồng ngô và sản lượng ngô hạt hơn 670.000 tấn, Sơn La xứng đáng với cái tên gọi là thủ phủ của ngô Việt Nam.
Việc thu mua, sơ chế và vận chuyển nông sản ở Sơn La hiện hoàn toàn phụ thuộc tư thương nên nông dân chưa được lợi nhiều. Ảnh: K.T
Nhưng khi nói về cây ngô, dù luôn khẳng định vai trò “nông sản mũi nhọn của Sơn La”, ông Nguyễn Hữu Lâm - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Sơn La cho biết: Hàng năm diện tích cây ngô của Sơn La có thể thay đổi khá lớn bởi sự chủ động của nông dân, nhưng cây ngô vẫn là cây trồng chủ đạo và có sự tăng trưởng.
Còn về năng suất thì ở nhiều địa bàn, chỉ riêng vụ xuân hè, nông dân đã đạt mức thu mỗi ha hơn 10 tấn ngô hạt, tương đương 12-14 tấn ngô bắp (hạt chưa tách khỏi cùi). Năng suất ấy đang lớn gấp gần 3 lần so với con số công bố ngô đạt 4,5 tấn/ha như mức bình quân chung của cả tỉnh. Nhưng cũng có những địa bàn vùng cao, năng suất ngô chỉ đạt 2,5-3 tấn/ha và người trồng ngô hầu như chỉ có tiền công chứ chưa có lợi nhuận, đấy là chưa kể khi mất mùa.
Lý giải về sự chênh lệch năng suất ấy, ông Lâm bảo: Chúng tôi đã kinh doanh giống ngô hàng chục năm nay và hiện đang có rất nhiều giống ngô được cung ứng ra thị trường. Giống ngô mà chúng tôi cung ứng có chất lượng tốt, giá cả hợp lý nhưng hầu hết nông dân Sơn La vốn nghèo nên cứ đến mùa vụ là không có tiền mua giống; phải mua qua tư nhân, khó tránh khỏi ngô giống ngoài luồng với chất lượng kém.
Đó cũng là một lý do quan trọng chi phối năng suất ngô của Sơn La. Bên cạnh đó, màu sắc, hình khối của hạt ngô cũng như tỷ lệ dinh dưỡng trong hạt ngô là rất quan trọng khi đưa vào thành hàng hóa, thường được các nhà sản xuất giống ngô quan tâm để tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường. Nhưng với nông dân nghèo, việc đó chưa được chú trọng bằng việc có đủ giống gieo, đúng thời vụ và được chậm trả tiền mua giống. Vì vậy tư nhân thường thắng thế trong cạnh tranh cung ứng giống và nông dân trở thành nạn nhân.
Cũng như ông Lâm, ông Lộc Mậu Triển - Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung (Mai Sơn, Sơn La) thừa nhận: Là một đơn vị sản xuất ngô giống lớn nhất các tỉnh miền núi phía Bắc và đã từng sản xuất ra những giống ngô rất tốt như LVN10, LVN61, VN8960… đạt năng suất trên 10 tấn/ha/vụ; hàng năm chúng tôi cung ứng ra thị trường hơn 1.000 tấn ngô giống, tức là chỉ đáp ứng một phần so với nhu cầu hơn 3.000 tấn giống ngô của nông dân Sơn La, nhưng vẫn phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn với hàng chục doanh nghiệp cung ứng khác, đó là chưa kể tới hệ thống cung ứng tư nhân đang len lỏi khắp các bản làng...
Việc quá nhiều doanh nghiệp, tư thương tham gia cung ứng giống ngô với hàng chục giống ngô đang là lợi thế và cũng là khó khăn cho người trồng ngô Sơn La. Nông dân có thể có một số thuận lợi khi có nhiều doanh nghiệp tư nhân cung ứng giống, như: Giá cả cạnh tranh, được mua chịu, mua trả chậm... Nhưng việc cạnh tranh tự do ấy mang lại thiệt hại thì nông dân ít quan tâm: Năng suất và chất lượng hạt ngô.
“Sơn La là địa bàn có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, lớp thổ nhưỡng khác nhau nên cần những giống ngô hợp lý, thích ứng với các điều kiện khác nhau mới cho năng suất cao, như: Vùng khan hiếm nước, vùng đất dốc hay có bão, vùng mưa nhiều, vùng đất nhiều kiềm, vùng đất nhiều axít… Vì thế, việc cung ứng giống và vật tư nông nghiệp ở Sơn La cần phải có một doanh nghiệp chủ đạo, có đủ vốn lớn để cạnh tranh sâu, có đủ kinh nghiệm để hướng dẫn nông dân. Doanh nghiệp cũng cần có sự phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, có khả năng chấp nhận “trả chậm rất lớn” để cung ứng giống đi liền với phân bón, vật tư cho sản xuất ngô... thì năng suất và chất lượng ngô mới cao được” – ông Triển nói.
Hai “khoảng trống” cần được lấp đầy
"Giá như Sơn La có được những nhà máy chế biến thức ăn gia súc thì không chỉ kích thích chăn nuôi phát triển mà còn góp phần tiêu thụ nông sản cho chính nông dân Sơn La. Đó là một trong những mong muốn từ lâu của chúng tôi”. |
Hai “khoảng trống” đó là kỹ thuật trồng ngô tiên tiến và khâu bao tiêu sản phẩm. Với sản lượng ngô bình quân đầu người hơn 500kg/năm, mỗi năm Sơn La đưa ra thị trường hơn nửa triệu tấn ngô hàng hóa, tương đương hơn 2.000 tỷ đồng. Như vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao nông dân Sơn La vẫn có tỷ lệ hộ nghèo rất cao?
Điều đó có thể lý giải từ chính những người nông dân mà mỗi năm đã từng sản xuất tới 70kg ngô giống (tương đương gần 4ha ngô) như chị Hà Thị Liên ở bản Mòn, xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên. “Nông dân chúng tôi cũng chưa biết cây ngô nào là hợp lý nhất với khí hậu, chất đất của vùng này. Năng suất ngô hàng năm chỉ đạt 3,3 - 4 tấn/ha nên thu hoạch xong, trừ chi phí chẳng lãi được bao nhiêu trong khi phân và giống đều mua chịu từ tư nhận với lãi suất cao” - chị Liên cho biết.
Ông Quàng Văn Phiêu - tỷ phú từ trồng ngô ở xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, cho biết: Cây ngô nếu đầu tư giống, phân bón hợp lý, gieo trồng đúng vụ thì năng suất hoàn toàn có thể đạt trên 10 tấn/ha, hàng ngàn hộ ở các xã: Chiềng Sung, Chiềng Chăn, Cò Nòi, Hát Lót… đã đạt năng suất ấy và xóa được nghèo, làm giàu từ cây ngô như gia đình tôi. Những hộ thành công từ sản xuất ngô là những hộ chịu khó học hỏi, đầu tư và được các đơn vị cung ứng giống ngô, vật tư nông nghiệp, khuyến nông hướng dẫn tận tình nên nắm chắc kỹ thuật. Mỗi vùng đất, mỗi vùng khí hậu, mỗi mùa vụ lại cần một giống ngô và cách chăm sóc khác nhau thì kết quả mới cao. Nhiều nông dân ở vùng khác lại chưa biết điều đó nên họ trồng ngô không có lãi hoặc lãi rất ít.
“Các anh cứ đến với những nông dân vùng sâu đang trồng ngô, thử hỏi họ xem đó là giống ngô gì, kỹ thuật chăm sóc thế nào… thì hầu như họ không nắm được. Muốn nâng cao năng suất cây ngô, việc đầu tư trang bị lại kiến thức thâm canh cây ngô hàng hóa là rất cần thiết” – ông Phiêu nhận định.
Khoảng trống lớn thứ hai trong sản xuất ngô ở Sơn La là việc tiêu thụ ngô. Hiện nay, ngoài một tỷ lệ rất nhỏ ngô hạt được nông dân để lại làm thức ăn chăn nuôi, hầu hết ngô Sơn La được bán ra thị trường. Nhưng thị trường tiêu thụ ngô của Sơn La đều do tư nhân đảm nhiệm việc thu mua, vận chuyển nên giá cả rất bấp bênh. Bên cạnh đó, do nhu cầu chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh nên nhu cầu thức ăn chăn nuôi của Sơn La rất lớn. Mặc dù thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm chủ yếu làm từ bột ngô nhưng nông dân Sơn La lại phải đi nhập nguồn thức ăn ấy, do khâu chế biến tại chỗ rất yếu kém.