Dân Việt

Xử tù khi chưa… khởi tố vụ án

Chân Luận 08/12/2015 06:57 GMT+7
Bị can đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng đồng thời đang mang thai nhưng cơ quan điều tra vẫn bắt tạm giam.

Cầm giấy triệu tập bị can trong tay chiều 7.12, Cao Thị Thu Hằng (xã Thụy Vân, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) nói như khóc: “Em không biết ngày mai (tức hôm nay, 8.12) công an có khởi tố và bắt em luôn không”.

Hằng là bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, từng bị TAND tỉnh Phú Thọ tuyên phạt 15 năm tù. Đến tháng 8.2015, TAND cấp cao tại TP.Hà Nội đã tuyên hủy án sơ thẩm vì có nhiều vi phạm tố tụng, trong đó có việc khởi tố, truy tố bị can khi chưa… khởi tố vụ án hình sự.

Đang mang bầu vẫn bị bắt tạm giam

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ, ngày 26.8.2011, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 33 đối với bị can Lê Thị Minh Hiền (xã Hy Cương, TP.Việt Trì). Hiền là nhân viên của Ban quản lý các KCN tỉnh Phú Thọ. Hiền đã nhận tiền của nhiều người để chạy việc và xin đất dự án nhưng không thực hiện được. Số tiền Hiền nhận của nhiều người dân lên đến hàng chục tỉ đồng, không có khả năng thu hồi.

Tại CQĐT, Hiền khẳng định phần lớn số tiền Hiền nhận của người dân đã giao cho Hằng nhưng không có tài liệu chứng minh. Đáng chú ý, kết luận điều tra và cáo trạng không kết luận được Hằng có hành vi lừa đảo đối với Hiền.

Ngày 14.9.2011, CQĐT nhận được đơn của bà Hoàng Thị Thu và ông Tạ Quang Thuật (cùng ngụ thị trấn Hùng Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ) tố cáo Hằng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Những tài liệu mà ông Thuật (đã qua đời) dùng để tố cáo Hằng chỉ là những bản kê khai được photocopy ký tên Nguyễn Thị Hằng. Những bản kê khai này nói Hằng đã nhận tiền của ông Thuật 17 lần, tổng số tiền là 587,5 triệu đồng. Còn bà Thu không có tài liệu gì chứng minh việc Hằng nợ mình tiền.

Dựa vào những lời khai của ông Thuật, bà Thu và những tài liệu nói trên, các cơ quan tiến hành tố tụng Phú Thọ cho rằng ông Thuật đã nhận nhiều hồ sơ chạy việc, chạy trường từ bà Thu với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng rồi chuyển tiền và hồ sơ này cho Hằng. Ngoài ra, bà Thu cũng chuyển hồ sơ và tiền riêng cho bà Hằng. Tổng số tiền ông Thuật và bà Thu bị Hằng chiếm đoạt là 676,5 triệu đồng.

Ngày 16.9.2011, cơ quan CSĐT khởi tố bị can đối với Hằng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 22.9.2011, sau khi được phê chuẩn, cơ quan CSĐT đã bắt tạm giam Hằng bốn tháng. Lúc bị bắt, Hằng đang nuôi con nhỏ 24 tháng tuổi và đang mang thai chín tuần bốn ngày.

Trong khi tạm giam, Hằng bị cắt quà tiếp tế của gia đình với lý do “khai báo gian dối, chưa thành khẩn”. Khi mang thai tháng thứ bảy, Hằng mới được tại ngoại vì… đã điều tra xong.

img

Chị Cao Thị Thu Hằng và giấy triệu tập bị can của Công an tỉnh Phú Thọ yêu cầu chị sáng nay (8.12) lên làm việc. Ảnh: Chân Luận

Chưa khởi tố vụ án đã khởi tố bị can

Ngày 19.12.2012, TAND tỉnh Phú Thọ đã tuyên phạt bị cáo Hằng 15 năm tù. Bản án này sau đó bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội (nay là TAND cấp cao tại Hà Nội) tuyên hủy để điều tra, xét xử lại. Ngày 24.9.2014, TAND tỉnh Phú Thọ xử sơ thẩm lần hai vẫn tiếp tục tuyên phạt bị cáo Hằng 15 năm tù.

Mới đây, ngày 24.8, TAND cấp cao tại TP.Hà Nội xử phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Thọ vì có những vi phạm tố tụng nghiêm trọng, trong đó có việc xử tù khi chưa… khởi tố vụ án.

Bản án phúc thẩm cho rằng quyết định khởi tố bị can đối với Hằng ngày 16.9.2011 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không có căn cứ pháp luật vì chưa có quyết định khởi tố vụ án. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ cho rằng đã khởi tố Hằng theo Quyết định khởi tố vụ án số 33 (gọi tắt là Quyết định số 33) liên quan đến việc Lê Thị Minh Hiền lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng tòa phúc thẩm chỉ rõ vụ án này (xảy ra tại Hy Cương, TP.Việt Trì) là vụ án độc lập, không liên quan đến vụ án xảy ra tại thị trấn Hùng Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ mà Hằng là bị cáo.

Đối chiếu các quy định tố tụng, TAND cấp cao tại TP.Hà Nội cho rằng: “Cơ quan CSĐT chỉ có thể ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố thêm bị can khác nếu xác định được Cao Thị Thu Hằng có hành vi phạm tội khác là lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Tạ Quang Thuật và Hoàng Thị Thu xảy ra tại huyện Lâm Thao, Phú Thọ. Khi đó, cơ quan CSĐT phải ra quyết định khởi tố vụ án nói trên trước khi ra quyết định khởi tố bị can đối với Cao Thị Thu Hằng”.

Sau khi nhận ra sai sót này, CQĐT đã ra quyết định tách hai vụ án nói trên. Tuy nhiên, HĐXX cũng cho rằng: Hành vi của Hằng không liên quan đến Quyết định số 33, nên việc tách hai vụ án hình sự cũng không có căn cứ pháp luật.

Xác định sai tư cách tố tụng

Ngoài ra, tòa phúc thẩm còn cho rằng trong vụ án mà Hằng là bị cáo, bản án sơ thẩm ngày 24.9.2014 của TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục lặp lại sai lầm của bản án sơ thẩm ngày 19.12.2012 (cũng của chính tòa này) khi xác định ông Tạ Quang Thuật và Hoàng Thị Thu là bị hại. HĐXX cho rằng đây là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Theo HĐXX, trong trường hợp có căn cứ xác định Hằng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cũng có căn cứ để xác định ông Thuật và bà Thu là đồng phạm với vai trò giúp sức cho Hằng. Hơn nữa, bản án sơ thẩm không xác định được địa chỉ, không lấy được lời khai của rất nhiều bị hại mà bản án liệt kê. Như vậy, chưa đủ cơ sở xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ định khung hình phạt cho các bị cáo.

VKSND Tối cao từng kiến nghị xử lý điều tra viên

Liên quan đến những sai phạm trong hoạt động tư pháp trong vụ án này, từ tháng 5.2012, VKSND Tối cao đã có kiến nghị xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm.

Cụ thể, ngày 30.5.2012, VKSND Tối cao đề nghị giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ tổ chức kiểm điểm các cá nhân liên quan đến việc bắt tạm giam bị can Cao Thị Thu Hằng và có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm minh. Bởi CQĐT Công an tỉnh Phú Thọ mặc dù biết rõ Hằng đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, không có biểu hiện bỏ trốn nhưng vẫn bắt tạm giam Hằng. Đồng thời, CQĐT Công an tỉnh Phú Thọ còn đề nghị cắt quà tiếp tế cho Hằng khi Hằng không vi phạm nội quy trại giam.

Đối với điều tra viên Nguyễn Mạnh Cường, VKSND Tối cao xác định Cường đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của CQĐT; xâm phạm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân qua việc Cường giả mạo tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc kê biên tài sản.

Cụ thể Cường đã tự ý viết thêm vào biên bản ghi lời khai của Hằng ngày 1.8.2011 với nội dung: “Tôi cùng chồng tôi là Hòa và hai con nhỏ đang sống tại căn nhà ở thôn Nỗ Lực, xã Thụy Vân, Việt Trì. Nhà này do chồng tôi làm từ năm 2009, chúng tôi sống chung với nhau”. Cường còn tự viết khống trong biên bản xác minh tại UBND xã Thụy Vân ngày 17.11.2011 với nội dung: “Cao Thị Thu Hằng sống cùng chồng con trai tại ngôi nhà bốn tầng ở xã Thụy Vân, nhà này do vợ chồng Hằng làm trên mảnh đất thuộc quyền sở hữu của bố mẹ đẻ Hằng là ông Cao Trung Sự”.

Tuy nhiên, VKSND Tối cao xác định hành vi giả mạo của Cường chỉ nhằm phục vụ điều tra và đảm bảo thi hành án, không có vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Mặt khác, việc kê biên tài sản đã được CQĐT giải tỏa, chưa gây thiệt hại tới tài sản của bố mẹ đẻ Hằng. Do vậy, hành vi của Cường chưa đến mức xử lý hình sự, mà chỉ cần kiến nghị xử lý kỷ luật nghiêm minh.

Tiếp tục triệu tập bị can

Ngày 4.12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ lại gửi giấy triệu tập bị can cho Cao Thị Thu Hằng. Nội dung giấy triệu tập ghi rằng: Yêu cầu Cao Thị Thu Hằng đúng 8h30 ngày 8.12 đến Cơ quan CSĐT tỉnh Phú Thọ để “làm việc”. Giấy triệu tập do thượng tá Đinh Văn Phúc - Phó thủ trưởng CQĐT ký, không nói rõ là làm việc về vấn đề gì.