Dân Việt

Ngành Y dược là “cái phao” của nhiều trường tư

Lê Phương 08/12/2015 09:20 GMT+7
Hàng loạt trường ngoài công lập rơi vào cảnh lao đao vì tuyển sinh không được và nhóm ngành Y dược trở thành “cái phao” của nhiều trường. Học sinh ào ào vào học các ngành sức khỏe nên mất cân đối giữa chỉ tiêu các ngành đào tạo tại nhiều trường ngoài công lập.

Dễ tuyển mà học phí lại cao

 

Hơn một thập niên gần đây nhóm ngành sức khỏe trở nên “hot” trong xã hội. Trong khi các ngành kỹ thuật ngày càng ít người học thì nhóm ngành chăm sóc sức khỏe lại luôn thu hút người học. Đó là lí do không tránh khỏi vì sao các trường từ ĐH cho đến TCCN mở ngành sức khỏe ngày càng nhiều. Đó cũng là cứu cánh của rất nhiều trường ngoài công lập đang lâm vào thế bế tắc vì tuyển sinh không được.

img

Sinh viên học ngành điều dưỡng của một trường ĐH ngoài công lập trong giờ thực hành

Hàng loạt trường ĐH ngoài công lập và đào tạo đa ngành mới mở ngành Y - Dược như ĐH Thành Tây, ĐH Tân Tạo, ĐH Võ Trường Toản, ĐH Tây Đô, ĐH Lạc Hồng, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Công nghệ Miền Đông, ĐH Công nghệ Đồng Nai….

Điều đáng nói chính là cơ cấu sinh viên giữa các ngành Y - dược và những ngành còn lại ở nhiều trường chênh lệch đáng báo động. Đơn cử như trường ĐH Tân Tạo (Long An) đào tạo 10 ngành nhưng chỉ có ngành Y đa khoa là tuyển được. Hiện tổng số sinh viên của trường ĐH này khoảng 500 em thì hết 2/3 số đó là học y khoa.

Tương tự, sinh viên các ngành dược, điều dưỡng ở các trường như ĐH Công nghệ Miền Đông, ĐH Lạc Hồng, ĐH Công nghệ Đồng Nai, ĐH Nguyễn Tất Thành… cũng chiếm tỷ lệ khá áp đảo so với những ngành còn lại. Hay trong năm 2014, trường CĐ Bách Việt tuyển gần 1.200 sinh viên nhưng trong đó gần 500 sinh viên cho 2 ngành dược và điều dưỡng. Còn trường CĐ Asean trong năm 2013 với quy mô là 3.313 học sinh, sinh viên nhưng ngành dược có đến 3.288 học sinh, sinh viên.

Còn ở hệ TCCN, riêng tại TPHCM có 17 trường đang đào tạo các ngành liên quan đến lĩnh vực sức khỏe. Chỉ tiêu của các ngành này ở các trường cũng ở mức “khủng” khi chiếm 50-80% tổng chỉ tiêu, áp đảo các ngành còn lại. Điển hình là tại trường trung cấp Âu Việt tuyển đến 2.350 chỉ tiêu cho 8 ngành nhưng riêng ngành dược đã tuyển 1.050 chỉ tiêu, điều dưỡng 300 và y sĩ 500 chỉ tiêu. Trong số 2.200 chỉ tiêu, trường trung cấp Bách khoa Sài Gòn phân cho các ngành điều dưỡng, hộ sinh, y sĩ và dược đến 1.500 chỉ tiêu. Tương tự sẽ chênh lệch chỉ tiêu cũng xảy ra ở các trường Trường trung cấp Kỹ thuật và Công nghệ Cửu Long, Trường trung cấp Phương Nam, Trường trung cấp Quang Trung…

Đáng nói là các ngành Dược, Điều dưỡng là các ngành luôn có học phí cao hơn hẳn các ngành khác. Ở hệ ĐH, sinh viên phải tốn không dưới 20 triệu đồng/năm học, còn ở một số trường ngoài công lập, mức học phí còn lên mức 30 triệu đồng/năm học. Ở bậc cao đẳng, trung cấp, học phí khối ngành sức khỏe cũng cao không kém với mức từ 11 - 12 triệu đồng/năm/sinh viên.

Mặc dù vậy nhưng theo khảo sát của các trường ngoài công lập có đào tạo ngành sức khỏe trên địa bàn TPHCM vài năm gần đây thì có khoảng 40 - 50% học sinh tốt nghiệp không xin được việc làm, hoặc phải làm trái ngành nghề đào tạo.

Xã hội chuộng ngành y vì cứ nghĩ kiếm được nhiều tiền

Liên quan đến việc đào tạo nhóm ngành y, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết mỗi năm TPHCM cần khoảng 270.000 chỗ làm việc thì ngành y chiếm tỉ trọng 5% tương đương 10.000 chỗ làm việc. Hiện nay nước ta chuẩn bị hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay, trong 8 nhóm ngành hội nhập thì ngành y đã chiếm đến 3 nhóm là bác sĩ, nha sĩ và các dịch vụ điều dưỡng viên. Quá trình hội nhập này sẽ tạo ra sự luân chuẩn tự do giữa các lao động chất lượng cao giữa các nước do đó trong tương lai nhu cầu phát triển của ngành y càng tăng.

Tuy nhiên theo ông Tuấn thì dù cần nhân lực này nhưng không vì thế mà có thể đào tạo ào ạt. Thời gian vừa qua ngành y được chú trọng phát triển nhiều nhưng vẫn còn thiếu tính đồng bộ. Thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng sinh viên ra trường vẫn không tìm được việc làm mà nguyên nhân chính cũng là do chất lượng. Một số sinh viên theo ngành y cứ nghĩ đây là một ngành có thu nhập cao và có uy tín xã hội, theo tôi điều đó là chưa đủ tính chất để tham gia vào công việc này.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng việc học sinh chọn học ngành y càng tăng vì các em chỉ thấy xu thế của xã hội mà không nhìn thấy rằng bản thân ngành y có rất nhiều áp lực công việc. Xảy ra tình trạng này một phần là do trong quảng bá tuyển sinh các trường cũng đã làm cho học sinh có sự mơ hồ, ảo tưởng về ngành nghề này.

“Nhiều trường khi đi tư vấn, hướng nghiệp tuyển sinh chỉ nói về thu nhập cao, lương vài chục triệu mà không chỉ ra rằng ngành y sẽ vất vả như thế nào, yêu cầu tố chất gì, đòi hỏi yêu nghề và y đức ra sao. Cách hướng nghiệp này chưa đạt yêu cầu tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội.

Người bác sĩ giỏi không chỉ có bằng cấp thôi là đủ mà còn phải trải qua quá trình trải nghiệm, hành nghề, yêu nghề mới phát triển. Tóm lại đây là nhóm ngành hội nhập phát triển, rất cần nhu cầu nhân lực chất lượng vì vậy đòi hỏi đầu vào, đào tạo đặc biệt đồng thời phải cân đối giữa số lượng và chất lượng”, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.