Tội phạm đột nhập nhà dân trộm, cướp tài sản đang gia tăng, tính chất ngày càng nguy hiểm. Trộm ở các tỉnh phía Bắc, thông thường chỉ rộ lên trong mùa du lịch hoặc cận Tết, nhưng nay không còn theo quy luật đó.
Về phương thức, hầu hết kẻ gian chọn thời điểm gây án về đêm và lúc rạng sáng để tránh bị phát giác. Chúng nhắm đến các gia đình giàu có, sơ hở quên không đóng cửa khi đi ngủ.
Trộm thường lợi dụng cây, cột điện, tường nhà để leo trèo, đột nhập. Đồ họa: Hà Ninh
Mục đích ban đầu của kẻ gian là trộm cắp, nhưng nhiều trường hợp, hung thủ giết người khi bị gia chủ phản kháng.
Những tên sát thủ đột nhập
7 năm trước, Hà Nội xảy ra vụ án rúng động, khi tên sát thủ mê chim yến đã lọt vào một hộ dân ở phường Thành Công, quận Ba Đình tấn công cả nhà. Cho đến nay, đây vẫn là một trong những vụ tội phạm đột nhập nhà dân gây hậu quả nghiêm trọng nhất trên địa bàn thủ đô.
Theo hồ sơ vụ việc, Đặng Tuấn Thắng (41 tuổi) có sở thích nuôi chim yến. Anh ta ham cả cờ bạc nên nợ gần 100 triệu đồng.
Trước khi gây án, Thắng được một người quen cho địa chỉ nhà anh Trung - người chuyên mua bán chim. Vài lần đến mua chim cảnh, Thắng nảy ý nghĩ cướp tài sản.
Tối 1.7.2008, Thắng đến nhà anh Trung ngỏ ý mua chim và được đưa lên tầng 4 xem hàng. Khi chủ nhà đang lúi húi chọn chim cho khách, từ phía sau, Thắng dùng búa tấn công khiến anh Trung gục ngã.
Người đàn ông này lao xuống tầng 3, đập vào đầu vợ anh Trung khi chị đang nấu ăn. Hung thủ dùng dây điện lò vi sóng xiết cổ nạn nhân. Kẻ thủ ác vào phòng ngủ đập tiếp cháu Khánh Linh (7 tuổi). Xuống tầng 2, thấy con gái thứ hai của anh Trung đang đi vệ sinh, hắn đóng cửa nhốt trong nhà tắm.
Xong việc, hung thủ bình tĩnh rửa chân, lên gác bắt 10 con chim, lục tài sản gia đình rồi bỏ chạy. Hơn một tuần sau khi gây án, Thắng bị bắt khi lẩn trốn tại TP.HCM.
Cách ra tay tàn độc của sát thủ mê chim yến được cho là hiếm gặp và khó phòng ngừa. Theo tâm lý tội phạm, khi gây án, ít tên chủ động tới nhà dân có đông người gõ cửa, vào hạ sát các thành viên để trộm cướp. Thực tế cho thấy, chúng thường lén gây án trong đêm, khi mọi người đã say giấc.
Vụ 2 cha con bị đâm chết trong nhà khi truy đuổi trộm, xảy ra rạng sáng 7.12, tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội là điển hình của trộm đêm.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 1h, thấy nhà ông Nguyễn Lương Chuân (57 tuổi, ở thôn 9, xã Canh Nậu) không khóa cửa, nghi phạm tên Ký (45 tuổi) bật tường rào đột nhập.
Trộm lẻn vào nhà ông Chuân do gia đình này quên không đóng cửa. Ảnh: Tùng Lâm
Anh Chỉnh (con trai thứ gia chủ) ngủ trên tầng 2 phát hiện người lạ mặt vào nhà đã tri hô, bỏ chạy xuống tầng. Theo lời kể vợ chủ nhà, trong lúc giằng co với tên trộm, anh Chỉnh và ông Chuân bị hắn đâm tử vong.
Thấy hung thủ chạy tới khu vực máy giặt, định trèo tường rào tẩu thoát, vợ ông Chuân cùng người con trai cả lao theo giữ chân thì bị hắn dùng dao chống trả khiển 2 người bị thương. Kẻ gây án sau đó trèo lên máy giặt, bật tường ra ngoài bỏ trốn.
Để trộm vào nhà là rất nguy hiểm
Phân tích các vụ trộm đột nhập xảy ra gần đây, chỉ huy Đội phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Hà Nội) cho rằng, thủ đoạn phạm tội của kẻ gian không có gì mới, nhưng các vụ án xảy ra vẫn khá nhiều.
Trộm thường đột nhập vào nhà đêm khuya hoặc khi phát hiện nhà vắng chủ, nhà không khóa cửa ra vào, cửa tum, cửa sổ, hoặc khóa không cẩn thận. Chúng dùng các loại đồ nghề dễ dàng tìm thấy trên thị trường để phá cửa, từ cửa cuốn, cửa kính, hay bẻ song sắt cửa sổ, cửa sắt.
Để trộm lọt vào nhà rất nguy hiểm, chúng luôn mang theo hung khí. Đồ họa: Hà Ninh
Trộm cũng có thể lợi dụng địa hình, địa vật tại chỗ như cây, cột điện, tường nhà hàng xóm, lỗ thông gió để leo trèo đột nhập vào nhà.
Công an Hà Nội cảnh báo, trong bất kể hoàn cảnh nào, để kẻ gian lọt vào nhà sẽ gặp nguy hiểm khó đoán. Do vậy, người dân nên chủ động phòng hơn là học cách đối phó.
Chỉ ra những sơ hở trong việc thiết kế hệ thống cửa, chỉ huy Đội phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xâm phạm sở hữu cảnh báo, nhiều nhà dân đang chuộng làm cửa sắt nghệ thuật, hàn ghép từ những miếng sắt mỏng, ngắn. Loại cửa này, kẻ gian cầm cờ lê bẻ gẫy dễ, hoặc dùng kích ôtô bẩy bung các miếng sắt mỏng, từ đó đột nhập.
Khi làm cửa sắt, cảnh sát khuyên người dân nên yêu cầu thợ hàn nối chắc chắn những thanh liền với nhau sẽ rất khó bẻ. Trong cửa sắt, nên lắp thêm cửa gỗ, không nên lắp cửa gỗ có ô kính.
Theo cơ quan công an, qua nhiều vụ trộm, cửa kính lõi thép hay cửa gỗ lắp ô kính đã cho thấy những yếu điểm. Một nhóm trộm đã từng dùng đèn khò, khò nóng kính cường lực rồi hất nước lạnh vào mảng kính nóng tạo rạn nứt. Trước khi đập, tội phạm dám một lớp băng dính lên trên bề mặt kính, tránh mảnh vỡ gây động.
Khi vắng nhà lâu ngày cần khóa chặt cửa, gửi hàng xóm trông giúp. Theo cảnh sát, nhiều trường hợp người dân đi vắng không nhờ hàng xóm, trộm lẻn vào nhà phá két sắt nhưng người xung quanh không ai quan tâm, đoán do chủ nhà gây tiếng động.
Để phòng ngừa trộm đột nhập về đêm, cơ quan công an khuyến cáo, trước khi đi ngủ, người dân phải khóa cửa tum, cửa ban công, nếu có điều kiện hãy nuôi chó để trông nhà.
Ban công các tầng nhà nên lắp “chuồng cọp” để đảm bảo an toàn. Khi làm, hãy yêu cầu thợ để cửa phụ để phòng khi gặp hỏa hoạn.
Với các gia đình sống trong biệt thự nên thuê bảo vệ, lắp hệ thống chống trộm bằng tia hồng ngoại. Người dân cũng có thể lắp đèn cảm ứng quanh nhà, khi ngủ bật lên, nếu có người lạ xâm nhập, đèn sẽ bật sáng, trộm do vậy có thể sợ bỏ đi.
Qua khám nghiệm hiện trường các vụ trộm, cảnh sát nhận thấy, tai khóa cửa sắt cũng là một “điểm yếu” mà trộm hay bẻ. Các loại tai khóa mỏng, kẻ gian dùng cờ lê cũng dễ dàng bẻ gẫy.
Làm gì khi giáp mặt với trộm?
Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội, để trộm lọt vào nhà rất khó ứng phó, bởi chúng luôn là người chủ động, trong tay có hung khí và sẽ kháng cự đến cùng để thoát thân. Vụ án Lê Văn Luyện sát hại 3 người trong tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn, Lục Nam, Bắc Giang); hay Nguyễn Minh Châu (quê Tuyên Quang), đoạt mạng cả nhà chủ tiệm vàng Kim Sinh (quận Đống Đa, Hà Nội), cho thấy mức độ nguy hại đó.
Chia sẻ với độc giả Zing.vn, đại diện Phòng Cảnh sát hình sự gợi ý một số kỹ năng ứng phó, đối mặt với trộm đột nhập. Tuy nhiên, cảnh sát một lần nữa nhấn mạnh, hãy chủ động phòng ngừa trước.
- Không nên một mình đánh lại trộm vì nhiều tên sẽ mang hung khí gây nguy hiểm. Hãy vào phóng kín, khóa chặt cửa, gọi báo công an, người thân hoặc hô hoán hàng xóm đến ứng cứu.
Cảnh sát khuyến cáo người dân gia cố cửa chắc chắn để tránh bị cậy phá. Đồ họa: Hà Ninh
- Trường hợp đi làm về nhà, hay trong đêm ngủ dậy phát hiện nơi ở có dấu hiệu bị lục lọi, nghi vấn đột nhập, đừng chạy đi tìm, lùng sục bắt trộm. Hãy bình tĩnh, báo cho người nhà để cùng trốn vào một phòng, khóa chặt cửa rồi gọi báo công an, người thân, hàng xóm hỗ trợ. Nếu có đông người, hãy tìm những vật dụng có thể tấn công, bắt trộm.
- Khi bị trộm khống chế, cần làm theo yêu cầu của chúng, bình tĩnh, cố gắng nhớ nét mặt, nghe giọng nói, đặc điểm riêng để phục vụ điều tra.
- Không nên tiếc tài sản mà kháng cự kẻ trộm có hung khí, vì có thể nguy hiểm tới tính mạng. Hãy bình tĩnh, làm theo yêu cầu của chúng để bảo vệ tính mạng của chính mình.
- Nếu nghi ngờ trộm là người quen, nên vờ như không quen chúng, đừng chủ động gọi tên vì tội phạm có thể sinh tâm lý giết người diệt khẩu.
- Hạn chế cho người lạ, không thân thích ngủ trong nhà. Trường hợp bất khả kháng, hãy cho họ thấy sự xuất hiện của của mình được nhiều người khác biết đến. Trước mặt họ, hãy mời hàng xóm sang nhà chơi, gọi điện báo cho người thân biết về việc có khách xin ngủ nhờ tại nhà… nhằm ngăn chặn ý đồ của những kẻ xấu.