Cũng theo ông John P.Connelly, trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu cá tra, basa vào Mỹ sẽ bị phía nhập khẩu kiểm soát từ khâu nuôi trồng, con giống, nguồn thức ăn, vận chuyển đến chế biến, kinh doanh… Các yêu cầu này nằm trong “Quy định cuối cùng” về việc thiết lập chương trình giám sát đối với các loài cá thuộc bộ Siluriformes, trong đó có cá tra, basa của Việt Nam, vừa được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ban hành.
“Quản” từ con giống đến thành phẩm
Ngoài việc doanh nghiệp (DN) muốn cung cấp cá tra, basa vào Mỹ phải có tên trong danh sách do Bộ NNPTNT cung cấp cho phía Mỹ, mỗi container hàng cá tra, basa khi xuất khẩu sang Mỹ cần có giấy chứng nhận về kiểm dịch do một cơ quan được USDA phân công. Các thông tin trên giấy chúng nhận này gồm thời gian xuất hàng, nguốc gốc hàng hóa, chủng loại, ngày chế biến, mã doanh nghiệp, mã nước xuất khẩu…
Rất khó để ngành nuôi cà chế biến cá tra đáp ứng ngay các yêu cầu của Mỹ. Ảnh: Nuôi cá tra xuất khẩu tại An Giang. Ảnh: T.H
Về khâu nuôi trồng, tới đây, Cục Kiểm dịch, Thanh tra An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) sẽ kiểm tra vùng nuôi của doanh nghiệp xuất khẩu, từ cơ sở giống, tới nhà máy thức ăn thủy sản, vận chuyển từ vùng nuôi về nhà máy… “FSIS cũng sẽ phải kiểm tra vùng nuôi trong suốt quá trình nuôi trồng, để chứng minh rằng cá tra đảm bảo sạch, không có dư lượng kháng sinh và chỉ sử dụng những hóa chất phía Mỹ cho phép sử dụng trên các loài cá da trơn này” - ông John giải thích.
Rất khó để đạt chuẩn Mỹ
"Trước hết, VASEP kêu gọi sự chung tay, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, có thể cần từ 100.000 - 200.000USD để thuê luật sư, chuyên gia phân tích, đánh giá các yêu cầu vừa đưa ra của USDA”. |
Không chỉ kiểm soát chặt chẽ từ khâu nuôi trồng, vận chuyển, chế biến, USDA tới đây cũng sẽ thắt chặt quản lý đối với mặt hàng cá tra, cá basa khi nhập khẩu vào cảng Mỹ.
Ông John P.Connelly cho biết, trước đây những lô hàng thủy sản nhập khẩu vào Mỹ, doanh nghiệp có thể đưa hàng về kho của đối tác nhập khẩu, sau đó cơ quan chức năng sẽ đến để kiểm tra các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nay theo luật mới của USDA, FSIS yêu cầu doanh nghiệp phải đưa hàng về một kho chỉ định của nhà nước để được kiểm tra. Việc này vừa khiến việc vận chuyển trở nên phức tạp, đồng thời đẩy chi phí giá thành lên cao.
Ông Nguyễn Phước Bửu Huy – Phó Giám đốc Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex II (Đồng Tháp), cho rằng hiện tại rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn BAP (Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt) để xuất khẩu thủy sản vào Mỹ. Tuy nhiên, ông John cho rằng phía USDA sẽ không chấp nhận dù doanh nghiệp đã có chứng nhận BAP.
Theo các nhà chuyên môn, việc chứng minh Việt Nam có nền sản xuất, chế biến cá da trơn tương đồng với Mỹ rất khó thực hiện được. Nếu có, thời gian để chứng minh và đạt được tương đồng thường mất khoảng 8 – 10 năm. Trong khi đó, các quy định này của USDA sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3.2016 tới.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP, cho rằng ngay cả nhiều doanh nghiệp chế biến cá da trơn của Mỹ cũng không đáp ứng được các yêu cầu này của cơ quan chức năng. Nhiều doanh nghiệp đã phải bỏ lĩnh vực cá da trơn để đầu tư vào các sản phẩm khác. Do đó, trong 18 tháng tới, dù trên nguyên tắc, việc xuất khẩu cá tra, basa Việt Nam vào Mỹ vẫn bình thường, nhưng sẽ có những ảnh hưởng về phía đối tác, như giảm mua hàng, chi phí tăng cao…
Cũng theo ông Hòe, việc đưa ra quy định thanh tra tại chỗ đối với cá da trơn này của USDA cũng vi phạm một số quy định của WTO. Do đó, VASEP sẽ cùng các doanh nghiệp nghiên cứu kỹ để tìm chiến lược đối phó.