Dân Việt

Cựu chiến binh giàu nhờ... “chịu chơi”

09/07/2011 06:06 GMT+7
(Dân Việt) - Là Việt kiều sống ở Campuchia, năm 1970, Trần Văn Sinh trở về quê hương tham gia Quân giải phóng. Rời quân ngũ, anh luôn nuôi khát vọng làm giàu bằng sức lao động của mình.

Người “chịu chơi”

Nghỉ theo chế độ về sống với vợ con ở quận 6, TP. Hồ Chí Minh năm 1995, Trần Văn Sinh cùng mấy chiến hữu lên huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) khảo sát thực tế. Thấy vùng đất cạnh hồ Dầu Tiếng ở xã Minh Hòa còn nhiều diện tích hoang hóa, kể cả những diện tích mà nhiều người khai phá trước đó cũng không có hiệu quả; anh quyết tâm đầu tư, khai hoá lại để làm giàu...

Sau khi được chính quyền sở tại cho phép, Trần Văn Sinh thay mặt đồng đội đảm nhận việc đền bù công khai phá và cây trồng trên đất cho các chủ cũ đồng ý chuyển quyền sử dụng, rồi thuê máy cày khai hoang, san lấp mặt bằng…

img
Cựu chiến binh Trần Văn Sinh trong trang trại heo quy mô lớn của mình.

Cải tạo đất xong, một vài người bạn của anh rút lui, trót cưỡi lưng cọp, Trần Văn Sinh buộc phải “chịu chơi”, ôm h luôn 100ha mà mình đổ công sức, tiền bạc để đầu tư. “Vợ chồng tôi phải đem căn nhà ở quận 6 thế chấp ngân hàng vay vàng và trả lãi suất cũng bằng vàng để trả công khai phá, bám trụ đến hôm nay”- anh Sinh kể.

Có trong tay hơn 100ha nhưng anh rất băn khoăn bởi chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì để mau thu hồi vốn trả nợ ngân hàng. Thấy thiên hạ trồng xoài, trồng nhãn, anh cũng trồng theo, số diện tích chưa trồng thì cặm mì, thả khoai lang… Nhưng, nhãn, xoài, lang, mì đều không mang lại lợi nhuận.

Rất may là hơn một năm sau, anh được một cơ sở sản xuất giống cao su ở thị trấn Chơn Thành cho người đến tận nơi đề nghị hợp tác làm ăn, từ thiết kế cơ bản, đào hố, cung giống và trồng họ đều giúp hết. Oái oăm thay, vì giống kém chất lượng, kỹ thuật trồng không đảm bảo nên cây chết hàng loạt, cây nào sống thì bị nhổ trộm.

Không nản chí, Trần Văn Sinh liên hệ với Công ty Cao su Sông Bé và được lãnh đạo công ty nhận đem cây giống tốt, đưa công nhân đến trồng và đảm nhiệm luôn khâu chăm sóc tới ngày thu hoạch mủ với giá 300 triệu đồng.

Khéo lo nên ấm

“Chờ ngày cao su cho mủ, vợ chồng tôi mua mấy chú heo mọi tập nuôi, không ngờ con heo đã mở ra hướng sản xuất quy mô trang trại như hôm nay”- Trần Văn Sinh kể. Khởi nghiệp từ mươi chú heo mọi, năm 2002, anh đầu tư 800 triệu đồng thiết kế 8 chuồng rồi hợp đồng với Công ty Thức ăn chăn nuôi Xi-bi ở Đồng Nai cung cấp giống nái sinh sản.

Nhờ liên kết với Vissan nên đầu ra của heo ổn định, giá có thể thấp hơn ở một vài thời điểm thương lái mua, bù lại mình yên tâm hơn, lại góp một phần nhỏ bình ổn giá theo chủ trương của thành phố.

Thấy Trần Văn Sinh có ý chí chăn nuôi lớn, Công ty Xi-bi cử kỹ thuật đến tận nơi tư vấn thiết kế chuồng trại nuôi theo hướng hiện đại. Năm 2003, anh đầu tư thêm 4 tỷ đồng nâng công suất gấp 5 lần, toàn bộ heo con đẻ ra, anh giữ lại nuôi thương phẩm.

Tính đường làm ăn lâu dài, Trần Văn Sinh đến Công ty Thực phẩm Vissan đề nghị bao tiêu sản phẩm thông qua ký kết hợp đồng dài hạn, mỗi tháng cung cấp cho công ty này từ 100-150 tấn heo sạch.

Không thỏa mãn với số lượng heo sinh sản hiện hữu, năm 2009 Trần Văn Sinh quyết định bán bớt 50ha cao su đang khai thác với giá 600 triệu đồng/ha để lấy vốn đầu tư mở rộng chuồng nuôi từ 450 nái lên 600 nái, kéo 2,8 km đường điện ba pha phục vụ chăn nuôi, lắp hệ thống điều hòa nhiệt độ, dàn phun mưa, camera nối mạng nội bộ kiểm soát tăng trưởng và sinh sản của heo.

Dừng bên hàng rào khu đất rộng 3.000m2 nuôi heo, anh Sinh giải thích: “Hàng ngày chí ít cũng vài chục nái sinh sản, số bào thai heo này tôi nấu chín làm mồi cho các con vật ở hai trại nuôi này, trong khi phân và nước thải chuồng heo đã có hệ thống ống dẫn bơm tưới chăm sóc cao su. Nhờ mô hình sản xuất khép kín của trang trại, mỗi tháng anh thu gần một tỷ đồng lợi nhuận”.