Khát vọng đổi đời
Ronald Raldes trước nay chỉ là một hậu vệ bình thường và chẳng có bất cứ dấu ấn đáng kể nào trong sự nghiệp. Thế nhưng, chỉ sau trận khai mạc gặp chủ nhà Argentina, danh tiếng của cầu thủ người Bolivia này đã nổi như cồn bởi anh làm được cái việc mà rất nhiều hậu vệ hàng đầu của châu Âu không thể thực hiện nổi: Vô hiệu hoá Messi.
Ronald Raldes (16) bỗng “được giá” ở Copa America nhờ khả năng vô hiệu hóa Messi. |
Ngay sau trận ấy, cả đất nước Bolivia vui như Tết và nhiều cổ động viên cao hứng đã “nổ”: “Thuốc trừ sâu Raldes sẽ tiêu diệt hết lũ bọ chét” (biệt danh của Messi là La Pulga, nghĩa là “bọ chét”). Thậm chí, tờ La Cuarta của nước láng giềng Chile cũng nức nở khen Raldes: “Anh ta bây giờ còn nổi tiếng hơn cả Tổng thống Bolivia, Evo Morales”.
Được đà, Raldes cũng chẳng ngần ngại mà bốc phét: “Tôi tin rằng, nếu được sang châu Âu chơi bóng ở những giải đấu hàng đầu, tôi sẽ khiến mọi tiền đạo trở nên tầm thường chứ không chỉ mình Messi”. Chả biết ý kiến ấy có lợi hay có hại cho Raldes, nhưng đội bóng Colon của Argentina mà cầu thủ này đang thi đấu đã điền tên anh vào danh sách chuyển nhượng.
Không chỉ Raldes, hàng loạt cầu thủ khác của tất cả các đội dự giải đều nuôi dưỡng ước mơ trở thành ngôi sao khi dự Copa America. Điểm chung của họ: Muốn nổi tiếng để được sang châu Âu chơi bóng với thu nhập cao. Giữ sạch lưới 2 trận đầu tiên vòng bảng, thủ thành Nelson Ramos (Colombia) đang mong sẽ được rời Colombia để tìm kiếm những thử thách mới với mức đãi ngộ “trong mơ”. Tỏa sáng ở trận gặp Bolivia, tiền đạo Joel Campbell (Costa Rica) ngay lập tức công khai ý định sang châu Âu chứ không muốn quanh quẩn ở Costa Rica nữa.
Đãi cát tìm vàng
Tất nhiên, khi các cầu thủ Nam Mỹ đã có lòng thì những nhà tuyển trạch của nhiều đội bóng hàng đầu châu Âu chẳng tội gì mà không bố trí một chuyến đi tìm “ngọc thô” ở Argentina. Người châu Âu thực dụng hơn người Nam Mỹ nên họ chả mơ mộng hão huyền gì mà có mục đích rất cụ thể: Phát hiện và mua được những ngôi sao đang ở dạng tiềm năng với giá rẻ. Dĩ nhiên, trăm nghe không bằng một thấy nên cứ mục sở thị là tốt nhất. Mua được “hàng hiệu” giá rẻ thì tốt, không thì… thôi, tóm lại là chỉ được trở lên chứ chẳng mất mát gì.
Ngay trước ngày khai mạc Copa America, Chủ tịch Rosell của Barcelona đã bay sang Argentina với lý do… đi nghỉ mát. Chả biết ông Rosell có nghỉ mát thật hay không, nhưng giới thạo tin nhanh chóng khẳng định, mục tiêu của ông này là mặc cả vụ chuyển nhượng Sanchez (Chile), hỏi mua Neymar (Brazil) và tiện thể theo dõi giải đấu để xem có anh nào chơi được là đưa lên bàn đàm phán.
Tương tự, hàng loạt chuyên gia phát hiện tài năng của AC Milan, Inter Milan, Juventus Manchester United, Chelsea, Arsenal, Valencia… không hẹn mà gặp tại Argentina. Sự xuất hiện của đội ngũ này xem ra còn khiến Copa America sôi động hơn cả những diễn biến trên sân cỏ, nơi hiện tượng nghèo nàn bàn thắng đang lan rộng ở cả 3 bảng đấu (tính đến hết ngày hôm qua 8.7 thì mới có 10 bàn được ghi trong 8 trận).
Thực tế, bấy lâu nay, Copa America vẫn được coi là cái chợ mua bán cầu thủ của nhiều đội bóng châu Âu và giải năm nay cũng không phải ngoại lệ. Việc làm này có lợi cho tất cả: Các cầu thủ có cơ hội đổi đời với thu nhập cao chót vót, còn các đội bóng châu Âu thì mơ mua họ với giá rẻ rồi sau đó sẽ bán với giá cắt cổ khi các cầu thủ ấy trở thành ngôi sao.
Đức Hiếu