Tham nhũng nhiều, xử lý ít
Chủ trương chống tham nhũng của Đảng được hiện thực hóa thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng. Trong đó trách nhiệm của người đứng đầu được quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 5 và cụ thể hóa tại Nghị định 03/NĐHN-BNV ngày 14.7.2014. Nguyên tắc xử lý và hình thức xử lý kỷ luật người đứng đầu quy định trong văn bản này khá rõ. Nhưng tại sao tham nhũng xảy ra nhiều mà người đứng đầu bị xử lý quá ít? Tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp. Để đến mức Bộ Chính trị phải ban hành chỉ thị yêu cầu xử lý nghiêm minh người đứng đầu, theo tôi không phải thiếu luật hoặc luật quy định không chặt chẽ. Vấn đề ở đây là con người, là thái độ thiếu kiên quyết… Do vậy để chỉ thị của Đảng được thực hiện nghiêm, trước hết phải làm trong sạch bộ máy”.
Luật sư Nguyễn Hoài Hước (Công ty Luật Bảo Bình)
Cả hệ thống phải vào cuộc
Điều quan trọng nhất là làm thế nào để xử lý nghiêm người đứng đầu? Câu hỏi này phải được Đảng, Nhà nước trả lời bằng các quy định và phải được cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan tư pháp, cơ quan bảo vệ pháp luật tổ chức thực hiện quyết liệt. Nếu không thì e rằng việc chống tham nhũng sẽ chỉ là khẩu hiệu.
Bạn đọc Trần Lệ Hồng (giáo viên, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh)
Đã đủ mạnh tay?
Trong khi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp thì chỉ thị của Đảng yêu cầu xử lý nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng rất hợp lòng dân. Nhưng quyền xử lý người đứng đầu phải là cấp trên của người đứng đầu. Vậy cấp trên có “mạnh tay”? Nếu không có giải pháp đồng bộ từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới… để xử lý “hệ thống” đó thì chỉ chặt được cái đuôi.
Bạn đọc Lò Thị Mai (Mường La, Sơn La)
Thể chế hóa thì mới khả thi
Để xảy tai nạn giao thông phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu; để xảy ra tham nhũng phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu…” câu nói này tôi đã nghe rất nhiều trên đài, báo từ chính các vị lãnh đạo. Nhưng chúng ta thấy rất ít người đứng đầu nào bị xử lý cả. Tại sao? Quyết tâm chính trị cần phải được thể chế hóa bằng quy định của pháp luật thì mới khả thi trong phòng, chống tham nhũng.
Bạn đọc Trịnh Quốc Vinh (Thăng Bình, Nông Cống, Thanh Hóa)
Cần chế tài đủ sức răn đe
Quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng đã có từ năm 2006 (Nghị định số 107/2006/NĐ-CP) và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 211/2013/NĐ-CP năm 2013. Nay Bộ Chính trị lại ban hành chỉ thị nhấn mạnh: Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng... Điều đó cho thấy việc xử lý người đứng đầu chưa có hiệu quả. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là quy định trên chưa rõ ràng, chặt chẽ; người nọ đổ trách nhiệm cho người kia... Mặt khác chế tài chưa đủ sức răn đe. Cần sửa đổi quy định thì ý Đảng mới trở thành hiện thực”.
Bạn đọc Trần Đăng Tuynh (thị trấn Hưng Hà, Hưng Hà, Thái Bình)